Nếu người lớn háo hức mỗi khi Tết đến xuân về, thì Quốc tế Thiếu nhi chính là ngày mà trẻ em trông đợi nhất. Trong mắt con trẻ, ngày lễ Thiếu nhi giống như ngày Tết vậy. Đây là dịp để trẻ nhận được những món quà và lời chúc ý nghĩa từ người thân trong gia đình. Nhưng cả nhà có biết ngày lễ Thiếu nhi có ý nghĩa như thế nào không?
Mục lục
1. Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế Thiếu nhi
Ngày 1/6/1942, tội ác không thể dung thứ của phát xít Đức đã giáng lên số phận của hàng trăm trẻ em ở làng Lidixo (Tiệp Khắc) khiến người thế giới rơi nước mắt. Để tưởng nhớ các em nhỏ và cũng như nhắc nhở thế giới cần phải có hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế thiếu nhi đã ra đời 7 năm sau đó.
Dựa trên sự kiện lịch sử này, ngày 1/6 hàng năm được chọn làm ngày Quốc tế bảo vệ Thiếu nhi lần đầu tiên vào năm 1949. Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã đứng lên yêu cầu các nước chịu trách nhiệm về đời sống của trẻ em. Với mục đích giảm ngân sách quân sự và tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.
Vào tháng 4/1952 tại Viene (thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này yêu cầu tất cả chính phủ đặt ra luật đảm bảo hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em.
Đến năm 1955, Đại hội các Bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxcova (Nga) đã tố cáo âm mưu chiến tranh của đế quốc. Và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu cùng đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững.
Kể từ đó, ngày 1/6 đã được chọn là ngày biểu dương cho lực lượng đấu tranh chống chiến tranh. Và bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới.
2. Ngày Lễ Thiếu nhi tại Việt Nam
Ở nước ta, ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên diễn ra vào ngày 1/6/1950. Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn đang trải qua thời kỳ cam go. Giữa lúc khó khăn, Bác Hồ vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước. Trong bức thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác có viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 1/6 hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Vào ngày 20/11/1989, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Công ước là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập đến các quyền trẻ em. Sau đó ngày 20/2/1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên của châu Á đã phê chuẩn công ước này. Kể từ đó, tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam đã được tổ chức kéo dài từ 15/5 đến 30/6.
3. Quốc tế Thiếu nhi 1/6 – vì tương lai con trẻ
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 (hay còn gọi là ngày Trẻ em) là một ngày vô cùng ý nghĩa. Ngày được các em nhỏ mong đợi nhất trong năm. Đây cũng là ngày để các em bé được vui chơi. Hơn hết là nhận những món quà và lời chúc từ người thân. Với nhiều cha mẹ, ngày 1/6 là dịp cả gia đình được đi chơi, đi du lịch và cùng nhau trải qua khoảng thời gian ý nghĩa.
Ngày Trẻ em cũng nhắc nhở mỗi bậc phụ huynh phải dành sự quan tâm, bảo vệ con trẻ trước tất cả những mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần bé. Trẻ em là thế hệ còn mong manh và non nớt. Con cần được cha mẹ quan tâm bảo vệ và dạy dỗ khoa học để phát triển toàn diện.
Cho dù có lớn lên thì những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ trong sáng, về khoảng thời gian ý nghĩa bên cha mẹ vẫn luôn là điều mỗi đứa trẻ ghi nhớ nhất. Vậy thì không chỉ ngày Lễ Thiếu nhi 1/6, hãy luôn dành cho trẻ những điều tốt nhất. Để con được vui chơi và tận hưởng niềm hạnh phúc mỗi ngày!