“Ngôi thai đầu ở đáy tử cung là sao?” Băn khoăn này hẳn sẽ hiện lên ngay lập tức trong suy nghĩ của mẹ bầu và người thân khi được bác sĩ chẩn đoán ngôi thai đầu ở đáy tử cung. Vấn đề này nguy hiểm không? Câu trả lời có ngay trong bài viết dưới đây, mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Ngôi thai đầu ở đáy tử cung là gì?
Ngôi thai đầu ở đáy tử cung hay còn gọi là thai ngôi mông hoặc thai ngôi ngược là tư thế thai nhi hướng chân hoặc mông về cổ tử cung của mẹ, còn đầu bé hướng về gần ngực mẹ nhất.
Có 3 loại thai ngôi mông điển hình là:
- Ngôi mông hoàn toàn: Mông em bé hướng về phía cổ tử cung của mẹ, đồng thời hai chân gập gối, bàn chân hướng xuống dưới, sát mông của bé.
- Ngôi mông Flank: Mông em bé hướng về phía cổ tử cung của mẹ, hai chân song song hoặc vắt chéo nhau đưa thẳng lên phía trước mặt, bàn chân bé gần đầu.
- Ngôi mông không hoàn toàn: Ở tư thế này, mông em bé vẫn hướng sát về phía cổ tử cung của mẹ, tuy nhiên một chân bé giơ lên sát đầu giống ngôi mông Flank, một chân còn lại gập gối giống ngôi mông hoàn toàn.
Hầu hết thai nhi quay đầu hướng về phía cổ tử cung của mẹ tạo thế ngôi thai thuận khi sang tuần thứ 36 của thai kỳ, tuy nhiên do 1 vài nguyên nhân dưới đây nên bé chưa quay được đầu dẫn đến ngôi thai bị ngược:
- Sinh đôi: Mang thai đôi khiến không gian trong tử cung của mẹ chật chội, mỗi bé khó xoay vào vị trí ngôi thai thuận.
- Quá nhiều hoặc quá ít nước ối: Mẹ quá ít nước ối làm bé khó khăn di chuyển về vị trí thuận. Còn quá nhiều nước ối lại khiến bé lơ lửng, xoay tròn dẫn đến không nằm im được ở một vị trí cố định.
- Dây rốn ngắn: Dây rốn ngắn cản trở bé xoay đầu về phía tử cung của mẹ, tư thế này cần dây rốn dài hơn.
- Tử cung mẹ có hình dạng bất thường: Thông thường tử cung của mẹ có hình quả lê lộn ngược, tuy nhiên một vài trường hợp mẹ có hình dạng khác khiến bé khó quay đầu về ngôi thai thuận.
- Nhau tiền đạo: Đây là tình trạng nhau thai che phủ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung chặn đường ra của em bé, dẫn đến ngôi thai bị ngược.
2. Thai ngôi đầu ở đáy tử cung là sao có nguy hiểm không?
Trong thai kỳ, thai ngôi ngược không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu thai ngôi ngược có thể gặp một số nguy cơ nếup sinh thường:
- Chấn thương bé: Dân gian có câu “đầu xuôi đuôi lọt” quả không sai mẹ nhỉ, nếu phần đầu bé chui ra trước thì phần còn lại hẳn sẽ thuận lợi ra sau thôi. Tuy nhiên với ngôi thai ngược, phần mông hoặc chân của bé ra trước khiến phần tay bị kẹt. Trong trường hợp đường dẫn sinh của mẹ quá hẹp, bé có thể gặp một số chấn thương như trật khớp/gãy tay.
- Bé ngạt do hết nước ối: Phần đầu của các bé to, cứng và khó chui ra nhất trong lúc chào đời đấy mẹ ạ! Với thai ngôi mông, phần đầu em bé sẽ phải chui ra cuối cùng. Lúc này, nước ối có thể đã cạn đi khá nhiều, em bé rất dễ bị ngạt hoặc sang chấn do thiếu oxy.
- Sa tử cung: Trong quá trình sinh em bé thai ngôi mông, mẹ bầu sẽ cần thời gian nhiều hơn so với bình thường. Điều này gây áp lực lớn lên tử cung của mẹ, có thể xảy ra tình trạng sa tử cung, khiến mẹ bị đau buốt.
3. 2 Phương pháp xử trí khi mẹ mang thai ngôi mông
3.1 Sử dụng phương pháp xoay thai
Phương pháp xoay thai thường được áp dụng tại tuần 36 đến tuần 37, mục đích xoay thai về ngôi thai đầu giúp mẹ thuận lợi sinh thường. Mẹ tham khảo 2 phương pháp phổ biến dưới đây:
- Phương pháp EVC: EVC là phương pháp đặt mẹ bầu nằm thẳng, sau đó bác sĩ tác động lực nhẹ nhàng ở phía ngoài bụng mẹ để xoay vị trí em bé về ngôi thai thuận. Tuy nhiên, phụ thuộc tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi, bác sĩ mới cân nhắc sử dụng phương pháp này bởi có thể dẫn đến một vài nguy cơ như: chuyển dạ sớm, mất ối sớm, mất máu nhẹ cho cả 2 mẹ con,…
- Phương pháp tự nhiên: Với phương pháp này, mẹ bầu sẽ áp dụng một số tư thế tập thể dục như: nghiêng mông, nghiêng khung chậu, châm cứu, âm nhạc,… để kích thích em bé tự quay đầu về vị trí ngôi thai đầu. Phương pháp này an toàn và có thể hữu ích tuy nhiên hiệu quả của nó chưa được khoa học chứng minh cụ thể.
3.2 Cân nhắc phương pháp sinh mổ
Các cơ sở y tế sẽ làm các siêu âm và xét nghiệm cần thiết xác định loại ngôi thai ngược cũng như tình trạng sức khỏe của cả 2 mẹ con tại tuần 37, sau đó đưa ra các phác đồ phù hợp với từng mẹ bầu, thường gồm 2 giai đoạn:
- Trước sinh: Nhiều trường hợp thai ngôi mông có khả năng sinh thường một cách an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ đưa ra kế hoạch sinh mổ để đảm bảo dự phòng mọi tình huống bất ngờ khi mẹ bầu chuyển dạ, mẹ đừng lo lắng quá nhé!
- Khi chuyển dạ: Tại thời điểm chuyển dạ, bác sĩ xác nhận lại vị trí em bé lần cuối, nếu thai ngôi ngược ở vị trí khó sinh thường, bác sĩ mới quyết định sinh mổ sau khi cân nhắc giữa sự an toàn và nguy cơ xấu có thể xảy ra.
4. 4 lưu ý đảm bảo an toàn cho mẹ bầu ngôi thai ngược
Để đảm bảo an toàn sức khỏe của cả mẹ và em bé, mẹ lưu ý 4 điều sau khi mang bầu ngôi thai ngược ở đáy tử cung nhé:
- Mẹ cần theo dõi sức khoẻ kỹ lưỡng: Để xử lý kịp thời được bất kỳ tình huống bất ngờ nào xảy ra, mẹ bầu lưu ý theo dõi sức khỏe thường xuyên và cần có người thân bên cạnh 24/24 nhé!
- Hạn chế đi du lịch xa: Mẹ bầu mang thai ngôi ngược chú ý trong 1 – 2 tháng cuối thai kỳ không nên đến những nơi quá xa các bệnh viện như du lịch núi hoặc đảo,… Nếu mẹ chuyển dạ sớm và cần sinh mổ thì khó cấp cứu kịp thời đó mẹ ạ!
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ: Bác sĩ sẽ là người đánh giá chính xác nhất tình trạng mẹ bầu cũng như đưa ra được các khuyến cáo phù hợp, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ mẹ nhé!
- Chăm sóc vệ sinh vùng kín: Khi mang bầu, nội tiết tố thay đổi khiến vùng kín của mẹ trở nên nhạy cảm hơn. Nếu chỉ sử dụng dung dịch vệ sinh thông thường, vùng kín của mẹ rất dễ bị khô rát, kích ứng bởi các hóa chất, hương liệu hoá học,… Chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng với thành phần thiên thiên, vừa làm sạch dịu nhẹ, vừa cân bằng độ pH tự nhiên, giúp vùng kín khỏe mạnh.
5. Các câu hỏi thường gặp
5.1. Mẹ bầu có bắt buộc sinh mổ khi ngôi thai đầu ở đáy tử cung không?
Do quá lo lắng nên nhiều mẹ bầu sau khi khám phát hiện ngôi thai đầu ở đáy tử cung liền lựa chọn sinh mổ ngay. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngôi thai mông vẫn có thể sinh thường một cách an toàn. So với sinh mổ, sinh thường không chỉ giúp mẹ nhanh hồi phục mà còn kích thích hệ miễn dịch của em bé hình thành ngay khi đi qua âm đạo của mẹ để chào đời. Vì vậy, mẹ bầu nên bình tĩnh nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp nhất nhé!
5.2. Quá trình chuyển dạ bắt đầu như thế nào với ngôi thai mông?
Mẹ bầu mang thai ngôi mông có dấu hiệu chuyển dạ giống với các mẹ mang thai bình thường khác. Để dự phòng các tình huống nguy hiểm, mẹ cần nắm chắc kế hoạch của bác sĩ tại bệnh viện nơi dự sinh. Ngay sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần tới bệnh viện ngay lập tức, bởi phụ thuộc vào vị trí thai nhi lúc này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh mổ.
Theo dõi bài viết tới đây, hẳn là mẹ đã có câu trả lời cho thắc mắc ngôi thai đầu ở đáy tử cung là sao rồi đúng không ạ? Nếu trong quá trình mang thai, mẹ còn bất kỳ chia sẻ hay băn khoăn nào, mẹ đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới đây, Góc của mẹ luôn sẵn sàng trả lời mẹ nhanh nhất có thể nhé!