Vải sợi tự nhiên đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong thị trường may mặc và được nhiều ba mẹ tin dùng bởi sự an toàn cũng như thân thiện với môi trường. Cùng Góc của mẹ tìm hiểu loại vải này có gì đặc biệt nhé!
Mục lục
1. Đôi nét về vải sợi tự nhiên
1.1. Nguồn gốc vải sợi tự nhiên
Vải sợi tự nhiên là loại vải được dệt từ các loại sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên: thực vật (cây bông, cây gai, cây lanh, cây tre,… ) hoặc động vật (sợi len (thu được từ lông dê, cừu, thỏ,…) và sợi tơ tắm (thu được từ kén tằm)
1.2. So sánh vải sợi tự nhiên và vải sợi nhân tạo
Vải sợi tự nhiên | Ưu điểm | Thành phần chính có nguồn gốc từ thiên nhiên, vải sợi tự nhiên không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có ảnh hưởng rất tốt tới sức khỏe cả nhà mình đấy ạ! Bên cạnh đó, vải sợi tự nhiên được sản xuất không thông qua sử dụng bất cứ hóa chất độc hại nào, mẹ có thể yên tâm rằng ngay cả làn da nhạy cảm, mỏng manh nhất cũng sẽ được bảo vệ.
Phần lớn các thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên có khả năng phân hủy sinh học, hút ẩm, thoáng khí, bền, phản ứng nhiệt và chống nấm mốc và bụi bẩn một cách tự nhiên. Đặc tính hút ẩm của loại vải này cho phép luồng không khí thoát ra khỏi da, giúp đánh bay mồ hôi và mang lại cho chúng ta cảm giác mát mẻ và khô ráo, đặc biệt vào những ngày hè oi ả. |
Nhược điểm | Do có thành phần tự nhiên, chi phí sản xuất và giá bán vải sợi tự nhiên khá cao. Bên cạnh đó, loại vải này dễ bị xù, nhăn và cần lau ủi thường xuyên. Nếu không được giặt đúng cách, một số loại vải sẽ bị co lại | |
Vải sợi nhân tạo | Ưu điểm | Vải sợi nhân tạo có chi phí sản xuất thấp, tính ứng dụng cao, được sử dụng ở nhiều sản phẩm đa dạng. Độ bền màu khá cao, vì vậy, vải sợi nhân tạo thường được nhuộm dễ dàng với nhiều màu sắc rực rỡ
Vải sợi nhân tạo có tính năng chống lại vết bẩn khá tốt. Ngoài ra, chất liệu này chống nước hoàn toàn, thích hợp cho các trang phục mặc ngoài trời, thường được sử dụng để làm áo mưa. |
Nhược điểm | Quá trình sản xuất loại vải này sử dụng các hóa chất nên có thể gây phát ban hoặc khiến vấn đề dị ứng da trở nên nghiệm trọng hơn
Tính thấm hút của vải sợi nhân tạo khá kém. Quần áo làm từ chất liệu này gây cảm giác bí bách, khó chịu, đặc biệt vào những ngày hè oi ả. |
Dựa vào bảng so sánh trên, mẹ có thể thấy hai loại vải này đều có những điểm mạnh và điểm yếu trong lĩnh vực may mặc! Tuy nhiên, chất liệu lý tưởng nhất để sử dụng cho các bộ quần áo thường ngày nói chung, hay quần áo cho trẻ sơ sinh nói riêng là là vải sợi tự nhiên. Với một đất nước có độ ẩm cao như Việt Nam, mặc những bộ quần áo làm từ vải sợi tự nhiên sẽ luôn làm chúng ta cảm thấy dễ chịu bởi khả năng thấm hút tuyệt vời.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, da của các con mỏng hơn da của người lớn khoảng 30%. Điều đó có nghĩa là, nếu sử dụng các loại vải nhân tạo đã trải qua các quá trình xử lý hóa chất sẽ cực nguy hiểm cho các con. Hơn nữa, trẻ sơ sinh thường có xu hướng chảy nước dãi, vì vậy bất kỳ loại vải nào có khả năng hút ẩm tốt mà không để lại mùi hoặc khó giặt chính là lựa chọn tốt nhất. Và đó chính là vải sợi tự nhiên!
2. Top 5 loại vải sợi tự nhiên tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh
Làn da của con chính là báu vật mà mẹ cần “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Và để bảo vệ báu vật ấy, mẹ cần lựa chọn loại vải quần áo phù hợp và an toàn cho con mẹ nhé, bởi quần áo là những người bạn gắn bó với con 24/24 đó!
Mẹ tham khảo 5 loại vải sợi tự nhiên dưới đây khi lựa chọn quần áo cho các con nhé.
2.1. Cotton
Chắc hẳn mẹ không còn xa lạ gì với cotton – loại vải được ưa chuộng nhất được các bác sĩ da liễu khuyên dùng sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cotton được làm từ sợi cây bông vải với thành phần chủ yếu là cellulose, một hợp chất hữu cơ rất quan trọng đối với cấu trúc thực vật, là chất liệu mềm mịn vô cùng. Tính năng hút ẩm vượt trội sẽ giúp con cảm thấy thoải mái kể cả vào ngày hè nóng nực nhất.
Tuy nhiên, có một nhược điểm nho nhỏ đối với loại vải cotton được làm từ bông nguyên chất mà có lẽ nhiều nhà sản xuất quần áo vô tình bỏ qua, chính là việc sợi bông khi được dệt thành vải vẫn còn tồn tại những sợi chưa đồng đều. Và đôi lúc đó chính chính là nguyên nhân làm con khó chịu, bởi con vô cùng nhạy cảm với những thứ gây cộm trong quần áo. Vì vậy, “cotton chải” – loại vải xịn hơn cả cotton đã ra đời và ngày càng được ưa chuộng trong lĩnh vực may mặc.
“Cotton chải“ là công nghệ tạo ra sự đồng nhất trên từng đường dệt, lựa chọn từng sợi vải một cách kỹ lưỡng nhất, sẽ không còn dặm vải, ngứa hay bất kì yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến da của bé. Vải cotton đã mềm mại rồi, nhưng với cotton chải, sự mềm mại đó còn vượt trên tiêu chuẩn thông thường, vì đó là sự mềm mại không xơ ngứa, không khó chịu dù là nhỏ nhất. Một sự mềm mại vượt trội chăm sóc, nâng niu những khách hàng nhí.
Mẹ tìm hiểu thêm về cotton chải ở đây nhé: Cotton chải – Nguyên liệu “vàng” dịu dàng nâng niu trẻ sơ sinh
Cách bảo quản quần áo làm từ vải cotton:
Để có thể giữ được một bộ quần áo cotton bền và luôn như mới, sau khi mặc, mẹ nên giặt càng sớm càng tốt để tránh để lại mùi hôi, bụi bẩn nhé. Ngoài ra, mẹ nên sử dụng loại nước giặt có các thành phần đến từ tự nhiên, không chứa các hóa chất như chất lưu hương nhân tạo, chất làm mềm vải hay các chất tạo bọt gây hại như SLS và SLES để tránh làm vải cotton bị giãn nhanh nhé.
Lưu ý nho nhỏ, nước nóng có thể khiến vải cotton bị giãn, mẹ đừng sử dụng nước có nhiệt độ >40 độ để giặt nhé.
2.2. Vải sợi tre
Vải sợi tre được tạo ra từ bột gỗ của cây tre, sử dụng c công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại. Chất liệu này có đặc tính nổi trội như: kháng mùi, kháng khuẩn, chống tia UV, mềm mại,… Bởi vậy, loại sợi ngày càng được sử dụng phổ biến trong ngành thời trang cho trẻ em và người lớn. Mẹ dễ dàng thấy các sản phẩm của bé cưng như quần áo, găng tay, khăn lau từ chất liệu này có độ mềm mượt, mát mịn, thân thiện với làn da non nớt của con.
Ngoài ra, với tính năng hút ẩm tốt, vải sợi tre sẽ giúp bé yêu không cảm thấy bí bách, kích ứng khi sử dụng mỗi ngày.
Cách bảo quản áo làm từ vải sợi tre:
Đối với vải sợi tre, khi giặt mẹ nên vò nhẹ nhàng, sử dụng nước lạnh để tránh khiến vải bị nhăn nheo nhé. Ngoài ra, mẹ nên phơi quần áo làm từ vải sợi tre ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
2.3. Len
Vải len là loại vải được dệt từ các loại sợi protein có nguồn gốc từ động vật như lông cừu, dê, thỏ, lạc đà… Nhờ độ dày và khả năng giữ nhiệt hiệu quả, vải len rất được ưa chuộng, đặc biệt vào mùa đông.
Cái lạnh mùa đông thường rất khắc nghiệt. bé cưng sức đề kháng còn yếu – nếu không được giữ ấm sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh hô hấp, ốm, cảm cúm vô cùng nghiêm trọng. Đó là lý do vì sao mẹ nên sử dụng len vào những ngày đông giá lạnh bởi khả năng giữ nhiệt vô cùng tuyệt vời. Không khí lạnh không thể len lỏi vào gây lạnh cho bé.
Ngoài ra, với nguồn gốc từ tự nhiên, bé mặc quần áo len sẽ cảm thấy dễ chịu,không bị sợi len chà sát vào da.
Cách bảo quản quần áo làm từ vải sợi len :
Trước khi giặt, mẹ nên đọc kỹ nhãn mác để kiểm tra xem bộ quần áo len bé mặc nên được giặt máy hay giặt tay nhé. Để các bộ quần áo len không bị giãn hay xù lông, mẹ nên giặt bằng tay với nước ấm không quá 30 độ C. Nếu muốn áo giữ được độ đàn hồi và độ sáng vốn có, mẹ có thể pha thêm một ít giấm vào nước giặt cuối.
Một lưu ý quan trọng đối với vải len: sau khi giặt, mẹ tuyệt đối không được vắt, vặn xoắn như những bộ quần áo thông thường nha! Làm như vậy sẽ khiến bộ quần áo len đẹp đẽ bị bai dão, xù lông và mất dáng.
2.4 Vải lanh
Vải lanh có tính mềm mại và mịn màng bởi loại vải sợi tự nhiên này được tạo ra từ các sợi của thân cây lanh, không có xơ cây. Ưu điểm lớn nhất của loại vải này là khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt, giúp người mặc dễ chịu và luôn khô thoáng. Do đó, đây là loại vải được nhiều bố mẹ tin dùng cho con vào mùa hè.
Độ bền của vải lanh rất tốt. Vải sẽ không bị sờn rách dù trải qua nhiều lần giặt. Bên cạnh đó, vải lanh có độ bền màu rất cao bởi vải rất ăn màu. Dù mẹ giặt máy hay giặt tay cũng không lo quần áo con bị phai màu đâu ạ.
Cách bảo quản quần áo làm từ vải lanh:
Cũng giống như cotton, nếu không được giặt với nước ở nhiệt độ phù hợp, vải lanh sẽ bị co lại nhiệt độ lý tưởng nhất là dưới 40 độ mẹ nhé. Mẹ cũng không nên vắt, xoắn hay chà quá mạnh khi giặt vải lanh vì sẽ làm gãy kết cấu sợi vải tự nhiên. Và cuối cùng, để chắc chắn rằng bộ quần áo không làm tổn thương da bé, mẹ nhớ kiểm tra kỹ xem xà phòng đã được xả sạch hay chưa nha!
2.5. Lụa
Lụa được dệt từ vải sợi tự nhiên 100% được lấy từ kén của con tằm. các sợi tơ được làm mềm và tháo ra trước khi được dệt lại với nhau để tạo ra chất liệu vải lụa. Sự mềm mại và mịn màng tự nhiên của lụa khiến chất vải này được ví như “làn da thứ hai của cơ thể con người”. Chính vì vậy, vải lụa cũng được sử dụng phổ biến trong ngành thời trang người lớn và trẻ em.
Lụa còn là chất vải có độ thông thoáng cao với khả năng hút ẩm mạnh mẽ, bé sẽ luôn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu khi mặc đồ bằng vải lụa. Nếu như mẹ muốn may một chiếc váy xinh xắn cho con yêu, thì lụa là lựa chọn vô cùng tuyệt vời đó ạ.
Cách bảo quản quần áo làm từ vải lụa:
Đối với vải lụa tơ tằm, mẹ nên giặt tay để vải không bị biến dạng hay mất đi độ bóng mịn mẹ nhé. Bên cạnh đó, chỉ nên sử dụng xà phòng trung tính, có độ tẩy nhẹ dịu để loại bỏ chất bẩn trên vải. Sau khi giặt sạch, mẹ chỉ cần vắt nhẹ, không kiệt nước và tránh phơi ở những nơi tránh ánh nắng gay gắt nhé.
3. Lưu ý khi chọn loại vải cho quần áo trẻ sơ sinh
1 – Sự thoải mái
Điều đầu tiên, mẹ cần nhớ rằng sự thoải mái của con là tiêu chí hàng đầu khi chọn loại vải nhé. Người lớn chúng mình đôi khi có thể mặc quần áo mà không quá coi trọng vấn đề chất liệu vải, chỉ cần đẹp là được. Tuy nhiên bé sơ sinh thì không như vậy. Dù bộ quần áo có xinh xắn đến đâu, nếu như chất vải quá cứng hoặc quá nóng con sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí có thể gây ra các vấn đề cho làn da non nớt, mỏng manh của con. Mà bé lại chưa biết nói, khó chịu chỉ biết khóc oe oe thôi, khiến mẹ xót xa lắm.
2 – Dễ thở
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh không thể tự điều khiển nhiệt độ cơ thể. Quá nóng bức được cho là một trong những nguyên nhân của hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh (SIDS), còn được gọi là cái chết trong nôi.
Đây là lý do tại sao kiểm soát nhiệt độ là một trong những đặc tính quan trọng nhất đối với quần áo trẻ em. Vì các con khó có thể tự làm điều đó, quần áo cần phải làm giúp con.
Vào mùa hè, mẹ nên tránh sử dụng các loại vải sợi nhân tạo như polyester để tránh làm không khí nóng mắc kẹt bên trong làm con khó chịu. Những loại vải mang lại cảm giác mát mẻ như cotton, vải lanh sẽ rất phù hợp vào những ngày có nhiệt độ cao. Còn các bộ quần áo len chắc chắn sẽ mang lại cảm giác ấm áp, bảo vệ con khỏi cái rét của mùa đông.
Mẹ tìm hiểu thêm về cách lựa chọn quần áo cho con theo mùa ở đây nhé: Hướng dẫn cách mặc quần áo cho trẻ sơ sinh theo nhiệt độ, theo mùa
3 – Độ bền
Tiếp theo, loại vải sử dụng cho con phải có độ bền cao mẹ nhé. Bé vô cùng năng động, có thể mặc lên tới bốn bộ quần áo mỗi ngày do chạy nhảy, ăn uống dây, bẩn ra quần áo. Chính vì vậy, dù quần áo của các con được làm từ chất liệu gì, các sợi vải cần có tính đàn hồi và có khả năng chịu được việc giặt giũ thường xuyên để theo kịp sự hiếu động của con nhé!
4 – Nhanh khô
Bé có thể thay quần áo rất nhiều lần trong một ngày. Dù là do thức ăn rơi vãi, dính bẩn khi con đang tập ngồi bô hay vui chơi nói chung, dường như lúc nào quần áo của con cũng nằm trong giỏ giặt. Cách giải quyết cho vấn đề này là sắm đầy một tủ đồ quần áo cho con to như của bố mẹ? Không đâu mẹ à, có một cách tiết kiệm hơn để đảm bảo con luôn có quần áo để thay chính là lựa chọn các loại vải nhanh khô, hoặc ít nhất có thể được sấy khô nhanh chóng.
Các loại vải làm khô nhanh nhất có xu hướng làm từ chất liệu tổng hợp. Tuy nhiên, các chất liệu nhân tạo như polyester không phải là sự lựa chọn tốt cho bé. Trong trường hợp này, vải sợi tự nhiên như cotton và vải sợi tre vô cùng lý tưởng. Cả hai đều được làm từ sợi tự nhiên và có thể cho vào máy sấy nha mẹ.
Trên thị trường ngày nay, có rất nhiều loại vải khác nhau được sử dụng trong ngành may mặc. Các loại vải sợi tự nhiên luôn được tin dùng bởi sự thân thiện với môi trường, lành tính đối với làn da của mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hi vọng bài viết này đã giúp mẹ có cái nhìn rõ hơn và giải đáp các thắc mắc của mẹ về vải sợi tự nhiên nhé!