Vậy là mẹ đã trải qua 3 tháng đầu tiên khó khăn với tình trạng mệt mỏi và ốm nghén. Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Những dấu hiệu mang thai sẽ rõ ràng hơn. Giai đoạn này cũng là giai đoạn bé phát triển nhanh chóng. Sự kết nối giữa mẹ và bé mạnh mẽ hơn. Mẹ sẽ cảm nhận được bé đang di chuyển bên trong cơ thể mẹ đó. Vậy mẹ cần chuẩn bị những gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Điều gì xảy ra với mẹ ở tam cá nguyệt thứ hai?
1.1. Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Trong ba tháng thứ hai của thai kỳ, mẹ sẽ trải qua một cảm giác khá mới mẻ bởi những thay đổi về thể chất
1 – Bụng và ngực phát triển
Tử cung của mẹ lúc này sẽ mở rộng để nhường chỗ cho em bé. Khi đó, bụng của mẹ sẽ lớn lên. Kích thước ngực khi đó cũng tăng theo. Lúc này, một chiếc áo ngực với dây đai rộng hoặc áo ngực thể thao sẽ mang lại cho mẹ cảm giác thoải mái nhất.
2 – Cơn gò sinh lý (Braxton-Hicks)
Bước vào tam cá nguyệt thứ 2, mẹ sẽ cảm thấy những cơn co thắt nhẹ, không đều ở bụng. Chúng thường đến vào buổi chiều hoặc tối, sau khi hoạt động thể chất. Mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn để tăng cường sức khỏe, giảm bớt những cơn co thắt này. Đây cũng có thể là dấu hiệu của việc chuyển dạ sinh non.
3 – Thay đổi sắc tố da
Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ kích thích sự gia tăng các tế bào mang sắc tố (melanin) trong da của mẹ. Da mẹ sẽ xuất hiện một số mảng màu nâu trên khuôn mặt. Ngoài ra, mẹ có thể nhìn thấy một đường sẫm màu ở phần bụng (còn gọi là linea nigra). Nhưng mẹ không cần quá lo lắng đâu. Đây là những vấn đề phổ biến mà mẹ nào cũng gặp trong tam cá nguyệt thứ 2. Sau khi sinh, chúng sẽ mờ dần, trả lại mẹ làn da như ban đầu.
Tuy nhiên, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có thể làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Mẹ đừng quên bôi kem chống nắng khi ra ngoài nhé. Ngoài ra, những vết rạn da cũng sẽ xuất hiện dọc theo bụng, ngực, mông hoặc đùi mẹ. Mặc dù đây là điều không thể tránh khỏi, nhưng hầu hết mức độ rạn da sẽ mờ dần theo thời gian.
4 – Các vấn đề về mũi
Khi mang thai, nồng độ hormone tăng lên và cơ thể mẹ sẽ tạo ra nhiều máu hơn. Niêm mạc khi đó sưng lên và chảy máu dễ dàng. Điều này dẫn đến nghẹt mũi và chảy máu cam. Mẹ có sử dụng nước muối để hạn chế tình trạng này. Tip nữa cho mẹ là uống nhiều nước. Sử dụng máy tạo độ ẩm và thoa dầu xung quanh các cạnh của lỗ mũi để giúp làm ẩm da.
5 – Các vấn đề về nha khoa
Vào tam cá nguyệt thứ 2, phần lợi của mẹ sẽ nhạy cảm hơn với chỉ nha khoa hay đánh răng. Mẹ dễ bị chảy máu. Để làm giảm kích ứng, mẹ nên súc miệng nước muối và chuyển sang dùng loại bàn chải đánh răng mềm hơn. Chăm sóc răng miệng cẩn thận lúc mang thai cũng là vấn đề mẹ cần lưu tâm đó.
6 – Chóng mặt
Những thay đổi trong lưu thông máu gây nên cảm giác chóng mặt cho mẹ. Mẹ nào gặp phải tình trạng này, hãy uống nhiều nước mỗi ngày. Tránh đứng lâu trong thời gian dài, hay đứng lên đột ngột. Khi cảm thấy chóng mặt, nằm nghiêng sẽ giúp mẹ thấy dễ chịu hơn.
7 – Chuột rút chân
Đây là tình trạng phổ biến mẹ gặp phải ở thời điểm này. Đặc biệt vào ban đêm. Để ngăn chặn chúng, hãy kéo căng cơ bắp trước khi đi ngủ, tập thể dục và uống nhiều nước. Ngoài ra, mẹ nên bổ sung vào tủ giày của mình những đôi giày thoải mái cho việc đi lại. Tắm nước ấm, mát xa bằng đá cũng là một phương pháp hiệu quả mẹ có thể áp dụng.
1.2. Mẹ sẽ cảm thấy thế nào trong tam cá nguyệt thứ 2?
Trong tam cá nguyệt thứ hai, sự mệt mỏi đã dần vơi bớt. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để lên kế hoạch chuẩn mọi thứ tốt nhất cho thiên thần của mẹ. Đăng ký học các lớp sinh nở. Tìm một bác sĩ đồng hành cùng với bé yêu của mẹ. Đọc các sách hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy bé.
Lúc này, đi kèm với sự hạnh phúc có lẽ là những băn khoăn, lo lắng về công việc cũng như trạng thái sắp được làm cha, mẹ. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt sẽ cho mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất. Bé yêu của mẹ từ đó có sự khởi đầu thật trọn vẹn. Chuyên mục Góc của mẹ (Mamamy.vn) cung cấp tất tần tật các “bí kíp” từ lúc bé còn trong bụng mẹ cho đến cách chăm sóc, nuôi dạy khi bé chào đời.
2. Sự phát triển của bé ở tam cá nguyệt thứ hai
Bước vào quý giữa thai kỳ là giai đoạn mà thai nhi nhi phát triển ổn định nhất. Khác với sự thay đổi thầm lặng trong tam cá nguyệt thứ nhất, trong giai đoạn này mẹ đã dần cảm nhận được quá trình phát triển và những chuyện động nhỏ của bé yêu trong bụng.
Đầu tam cá nguyệt thứ 2, chiều dài trung bình của bé là 8,7 cm và nặng khoảng 43 gam. Đến tuần thứ 27, trung bình bé dài 36,6cm và nặng 875 gam.
Vậy những sự thay đổi gì đang diễn ra ở bé?
Chắc hẳn mẹ cũng rất mong muốn được biết bé con của mẹ phát triển từng ngày như thế nào đúng không? Vào tuần thứ 16, dây rốn của bé đã phát triển hoàn chỉnh. Đến tuần thứ 18, bé đã nghe được nhịp tim của mẹ. Đây cũng chính là âm thanh mà bé nghe được rõ ràng nhất. Sau tuần thứ 25, bé có thể cảm nhận được và phản hồi lại giọng nói của mẹ. Cuối cùng, cuối tam cá nguyệt thứ 2, bé lắng nghe được tiếng của bố nữa đó. Vì thế, bố mẹ nhớ dành thời gian “tâm sự” với bé nhé. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé nghe những bài hát mà mẹ yêu thích nữa nha.
Giai đoạn này, một lớp phủ mềm hay còn gọi là chất gây (vernix caseosa) ngăn không cho da bé bị nhăn trong nước ối phát triển. Chúng hầu như sẽ bong ra khi bé chào đời. Tương tự, lông tơ (lanugo) mềm, mịn cũng hình thành bao phủ cơ thể bé.
Nếu như mẹ tò mò muốn biết bé là một chàng trai mạnh mẽ hay một cô gái đáng yêu, mẹ có thể tiến hành siêu âm ở tuần thai thứ 20 để xác định giới tính của bé.
Cuối tam cá nguyệt thứ hai, bé hình thành chu kỳ ngủ của mình. Thường thì bé sẽ được “ru ngủ” vào ban ngày bởi các chuyển động cơ thể của mẹ. Và sẵn sàng thức dậy vào ban đêm khi mẹ đi ngủ. Ngoài ra, mẹ còn cảm nhận được bé đang nấc cụt nữa cơ. Thật đáng yêu phải không mẹ.
3. Làm thế nào để cả mẹ và bé có một tam cá nguyệt thứ 2 khỏe mạnh?
Điều quan trọng lúc này là mẹ cần nắm rõ những gì nên làm và cần tránh trong tam cá nguyệt thứ 2. Hiểu rõ mọi thứ giúp mẹ có những phương pháp phù hợp nhất chăm sóc bản thân và chuẩn bị tốt nhất cho bé.
3.1. Mẹ nên làm những gì?
- Tiếp tục bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Tập thể dục điều độ thường xuyên
- Duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, protein ít béo và chất xơ
- Uống nhiều nước
- Bổ sung đủ lượng calories cần thiết. Nhiều hơn khoảng 300 calories so với bình thường
- Giữ vệ sinh răng miệng. Vì vấn đề răng miệng này có liên quan đến sự chuyển dạ sớm.
3.2. Mẹ nên tránh những gì?
- Tập thể dục quá sức hoặc quá nặng ảnh hưởng đến dạ dày của mẹ
- Đồ uống có cồn
- Cafein. Không uống quá 1 tách cà phê hoặc trà mỗi ngày
- Hút thuốc lá
- Các loại thuốc bất hợp pháp
- Cá sống hoặc hải sản hun khói
- Cá kiếm, cá thu hoặc cá hồng. Đây là các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao
- Mầm sống
- Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng
- Thịt nguội hoặc xúc xích
- Các loại thuốc có chứa isotretinoin (Accutane) cho mụn trứng cá. Acitretin (Soriatane) cho bệnh vẩy nến. Thalidomide (Thalomid) và thuốc cho huyết áp cao.
Chi tiết hơn về các loại thực phẩm nên và không nên ăn, Góc của mẹ đã lên sẵn cho mẹ thực đơn giúp bé khỏe, mẹ đẹp rồi đó. Mẹ ghi lại để chuẩn bị thật tốt cho tam cá nguyệt thứ 2 nha.
Ngoài ra, hiểu được nỗi lo lắng của các mẹ trong từng tuần thai kỳ với những dấu hiệu khác nhau, chúng mình cũng đã tìm hiểu và đưa ra những tips giúp mẹ trải qua từng tam cá nguyệt thật hiệu quả. Mẹ cứ yên tâm và lên kế hoạch thật kỹ chào đón ngày bé chào đời nhé.