Khả năng sinh sản hiểu đơn giản chính là khả năng mang thai. Có em bé có lẽ là niềm hạnh phúc mà bất cứ cặp bố mẹ nào cũng đều mong chờ. Tuy nhiên, không phải cứ khi nào muốn có thai là sẽ có luôn đâu các bố mẹ nhé. Khoa học đã chứng minh có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hiểu rõ chúng sẽ giúp các bố mẹ điều chỉnh chế độ sinh hoạt thường ngày để sớm đón “niềm vui” như mong muốn.
Mục lục
1. Độ tuổi
Độ tuổi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Số lượng trứng sẽ giảm dần theo độ tuổi của phụ nữ. Sự suy giảm trứng ở phụ nữ trẻ diễn ra khá chậm. Chỉ một vài lượng trứng bị “mất đi” mỗi ngày. Tuy nhiên, từ 30 tuổi trở đi, sự suy giảm sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Ngoài ra, chất lượng buồng trứng sẽ giảm đi khi tuổi càng cao. Như vậy, nữ giới càng lớn tuổi sẽ càng có ít khả năng mang thai. Nếu có thai, khả năng sảy thai cũng nhiều hơn.
Đối với nam giới, khả năng sinh sản cũng giảm theo tuổi tác. Nhưng độ tuổi không quá ảnh hưởng đến họ như đối với nữ giới.
2. Những lần mang thai trước
Các bố mẹ sẽ có nhiều khả năng sinh sản hơn nếu trước đó đã từng có thai với nhau rồi so với các cặp vợ chồng chưa từng mang thai. Kể cả lần trước đó có các vấn đề ngoài ý muốn khiến bé có ra đời được hay không cũng không ảnh hưởng.
3. Thời gian cố gắng để mang thai
Thông thường, các cặp vợ chồng càng cố gắng có thai trong một khoảng thời gian dài, khả năng sinh sản của họ càng thấp. Ví dụ bố mẹ cố gắng có thai dưới 3 năm, khả năng sinh sản sẽ cao gần gấp đôi so với các cặp vợ chồng cố gắng có thai trên 3 năm.
4. Thời điểm và tần suất “làm chuyện đó”
4.1.Thời điểm “làm chuyện đó”
Hầu hết nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt là 28 ngày. Nghĩa là cứ 28 ngày sẽ bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới. Sự rụng trứng thông thường sẽ xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ này. Trứng có được thụ tinh bởi tinh trùng hay không phụ thuộc vào (các) ngày trong chu kỳ xảy ra giao hợp. Vào đầu chu kỳ, cơ hội mang thai tương đối thấp. Vào ngày thứ 8 trở đi, cơ hội này sẽ bắt đầu tăng lên. Nữ giới sẽ có khả năng mang thai cao nhất nếu “làm chuyện đó” 2 ngày trước khi rụng trứng. Tức là ngày 12 của chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày.
Một khi sự rụng trứng đã xảy ra rồi, cơ hội mang thai sẽ giảm đi đáng kể. Để tối đa hóa cơ hội mang thai, tinh trùng cần xuất hiện trong sinh dục nữ trước khi rụng trứng. Bởi một khi sự rụng trứng xảy ra, nồng độ hormone progesterone tăng lên. Điều này khiến chất nhầy cổ tử cung trở nên dày và dính, tinh trùng khi đó khó có thể thể bơi qua nó đến trứng để thụ tinh.
4.2.Tần suất “làm chuyện đó”
Các cặp vợ chồng “làm chuyện đó” đều đặn 2 – 3 lần một tuần sẽ có khả năng mang thai cao nhất. Tần suất này đảm bảo một khối lượng tinh trùng hợp lý sẽ xuất hiện trong sinh dục nữ vào đúng thời điểm rụng trứng. Nếu chỉ quan hệ 1 lần một tuần, cơ hội mang thai sẽ ít hơn.
Xem thêm: Muốn có thai: Hãy “yêu” đúng cách nào nhà mình ơi!
5. Các yếu tố sinh hoạt thông thường
5.1.Cân nặng
Phụ nữ thừa cân thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ khiến cho khả năng rụng trứng mỗi tháng suy giảm. Như vậy, cơ hội mang thai sẽ ít hơn phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Giảm cân 5 – 10% tổng trọng lượng cơ thể thôi cũng có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Từ đó cải thiện khả năng sinh sản.
Bên cạnh đó, cân nặng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian mang thai. Thừa cân cũng khiến nguy cơ sảy thai tăng lên và phát sinh những vấn đề không mong muốn trong quá trình mang thai và sinh nở. Theo nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới, giảm cân đã được chứng minh là có thể cải thiện được khả sinh sản của các cặp bố mẹ. Tuy nhiên, để giảm cân, cách tốt nhất là hãy tập thể dụng đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, thiếu cân cũng mang lại những ảnh hưởng không nhỏ đối với nữ giới. Chính vì vậy, giữ cân nặng ở mức phù hợp sẽ giúp tăng khả năng sinh sản cho các cặp bố mẹ.
5.2.Hút thuốc lá
Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ trì hoãn mang thai gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc lá. Thậm chí hút thuốc thụ động cũng có thể gây hại. Hút thuốc làm giảm số lượng trứng, hỏng lông mao bên trong ống dẫn trứng. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ở nam giới, hút thuốc có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Gây khó khăn trong việc mang thai.
5.3.Rượu, bia
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống hơn 5 đơn vị rượu mỗi tuần có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới. Khi mang thai, tiêu thụ rượu bia quá mức có thể dẫn đến nguy cơ dị tật bẩm sinh và chậm phát triển ở bé. Các mẹ mong muốn mang thai thì tuyệt đối tránh xa rượu bia. Bởi hiện tại không có giới hạn nào là an toàn cho đồ uống có cồn này cả.
Đối với nam giới, tiêu thụ rượu quá mức sẽ làm suy giảm tỷ lệ xuất tinh và giảm chất lượng tinh trùng. Từ đó, khả năng sinh sản cũng hạn chế đi rất nhiều.
5.4.Điều kiện sức khỏe
Điều kiện sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Đôi khi vấn đề này lại rất dễ bị bỏ qua. Một số những vấn đề sức khỏe phổ biến làm giảm khả năng sinh sản như sau. Bệnh tuyến giáp, thiếu vitamin D, hội chứng buồng trứng đa nang,…
Bố mẹ nào đang mong muốn có con ngay bây giờ hoặc đang lên dự định cho tương lai, hãy nắm rõ những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Từ đó có thể phát hiện kịp thời những rủi ro để phòng ngừa, chữa trị. Từ đó giúp gia tăng cơ hội mang thai thành công.