Ủ sữa cho bé là cách bảo quản sữa dễ dàng và tiện lợi, mẹ dùng sữa cho bé được ngay khi con đòi bú mà không cần phải hâm nóng lại sữa như cách bảo quản lạnh thông thường. Tham khảo bài viết dưới đây để biết ủ sữa đúng cách, vừa tiện lợi cho mẹ, vừa đảm bảo dinh dưỡng nhất cho con nhé!
Mục lục
1. Lợi ích của việc ủ sữa cho bé
Ủ sữa là cách duy trì độ ấm nóng và dinh dưỡng trong sữa, mang lại nhiều tiện lợi cho mẹ:
- Tiết kiệm thời gian: Mẹ pha sữa hoặc hâm nóng sữa cho con nhưng bé chưa muốn ăn, không chịu bú. Lúc này, mẹ không cần bỏ sữa đi ngay đâu ạ. Ủ sữa giúp giữ nguyên được dinh dưỡng trong sữa, đến khi con quấy khóc đòi bú, mẹ dùng luôn sữa đã chuẩn bị mà không phải pha sữa hay hâm nóng sữa mới cho con.
- Tiện cho bé bú đêm: Mỗi đêm bé quấy khóc đòi bú, mẹ phải lọ mọ pha sữa hay hâm nóng sữa cho bé. Ủ sữa giúp mẹ luôn có sẵn sữa cho bé bú, con không phải chờ đợi lâu, mẹ cũng không phải dậy đong đếm từng thìa pha sữa cho bé.
- Tiện lợi khi bế bé ra ngoài: Khi đi chơi xa, đi du lịch; mẹ ngại phải vén áo cho bé bú hoặc lỉnh kỉnh mang theo nào bình sữa, bột sữa, nước ấm,.. Thay vào đó, một bình sữa được ủ ấm vừa gọn nhẹ, tiện lợi, dinh dưỡng, giúp bé được bú sữa bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào.
2. 4 cách ủ sữa cho bé được nhiều Mom áp dụng
Có 4 phương pháp ủ sữa sử dụng 4 vật dụng khác nhau: túi giữ nhiệt, máy hâm nóng, bình giữ nhiệt và bình ủ sữa. Mỗi phương pháp có lợi ích riêng, phù hợp với mẹ trong từng trường hợp.
2.1. Ủ sữa cho bé bằng túi giữ nhiệt
Túi giữ nhiệt có thiết kế gọn nhẹ, tiện lợi để mẹ ủ sữa và mang theo khi cần đi ra ngoài.
2.1.1 Túi giữ nhiệt là gì?
Túi giữ nhiệt là túi được làm từ chất liệu có khả năng giữ nhiệt tốt, giữ ấm sữa trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ. Có hai loại: túi giữ nhiệt bằng điện và túi giữ nhiệt bằng vải. Cả hai loại đều được thiết kế gồm 3 lớp:
- Lớp ngoài cùng: được làm từ vải chống thấm nước như vải dù, vải nylon với nhiều màu sắc khác nhau.
- Lớp giữa: là lớp cách nhiệt chính, được làm từ xốp bạc cách nhiệt hoặc mút giữ nhiệt, dày từ 3 – 10mm. Lớp giữa càng dày, khả năng giữ nhiệt của túi càng tốt.
- Lớp trong cùng: là lớp tiếp xúc với bình sữa, được làm từ vải bạc mềm, vừa cách nhiệt, vừa chống thấm nước và không làm xước bình sữa.
Ngoài ra, túi giữ nhiệt bằng điện được thiết kế thêm bộ phận gia nhiệt, bảo quản và giữ bình sữa ấm nóng trong thời gian dài hơn.
2.1.2 Lợi ích và đặc điểm nổi bật
Túi giữ nhiệt có ưu điểm:
- Giữ ấm và duy trì chất dinh dưỡng của sữa trong 2 – 5 tiếng.
- Thiết kế gọn nhẹ, mẹ có thể gấp và cất gọn nếu không sử dụng.
- Dễ dàng mang ra ngoài kèm theo bình sữa của bé.
- Dễ mua, giá cả phải chăng, khoảng 200.000đ – 300.000đ.
2.1.3 Cách ủ sữa bằng túi giữ nhiệt
- Với túi giữ nhiệt bằng vải: mẹ chỉ cần cho bình vào túi giữ nhiệt, sau đó khóa kín miệng túi lại và sử dụng cho bé trong khoảng 2 – 3 giờ.
- Với túi giữ nhiệt bằng điện: mẹ đặt bình sữa vào túi, khóa miệng túi và cắm nguồn điện để sữa được giữ ấm lâu hơn, trong vòng 4 – 5 tiếng. Khi không sử dụng, mẹ lưu ý để túi ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt làm hỏng bộ phận gia nhiệt.
2.2. Ủ sữa cho bé bằng máy hâm sữa
Dùng máy hâm sữa ủ sữa cho bé là biện pháp khoa học, an toàn, giữ sữa của con ở chính xác nhiệt độ mẹ mong muốn trong thời gian dài.
2.2.1 Máy hâm sữa là gì?
Máy hâm sữa là thiết bị hâm nóng sữa bằng hơi nước hoặc bằng nhiệt từ lớp thép nóng. Máy cũng được sử dụng để ủ ấm sữa do có khả năng giữ nhiệt và cách nhiệt cao, duy trì sữa ấm nóng trong thời gian dài.
Máy hâm sữa gồm hai loại: máy hâm sữa dùng nước và không dùng hơi nước. Cả hai đều có cấu tạo đơn giản, gồm:
- Thân máy: chứa bộ phận gia nhiệt và khoang chứa bình sữa.
- Phích cắm: dẫn điện từ nguồn điện tới thân máy để hâm nóng sữa.
Khi bật máy, hệ thống điện sẽ làm nóng nước (đối với máy dùng nước) hoặc làm nóng lớp thép không gỉ (đối với máy không dùng nước). Sau đó, nhiệt sẽ truyền từ nước hoặc tấm thép đến bình sữa để hâm nóng và duy trì sữa ở mức nhiệt độ yêu cầu.
2.2.2 Lợi ích và đặc điểm nổi bật
Máy hâm sữa có ưu điểm:
- Làm ấm và duy trì sữa ở đúng nhiệt độ mẹ muốn, mẹ không cần dùng thêm nhiệt kế để kiểm tra sữa cho bé.
- Giữ nguyên dinh dưỡng và độ thơm ngon của sữa do máy kiểm soát nhiệt độ tốt, làm ấm sữa từ từ, không nâng nhiệt độ sữa lên quá cao, làm hỏng hay biến chất các thành phần trong sữa.
- Máy tích hợp nhiều chức năng, vừa hâm nóng, vừa ủ ấm, vừa tiệt trùng bình sữa, cực tiện lợi cho mẹ sử dụng trong giai đoạn cho bé bú bình.
Mẹ tham khảo: Hâm sữa cho bé đúng cách giúp giữ 100% dưỡng chất sữa mẹ.
2.2.3 Cách ủ sữa bằng máy hâm sữa
Mẹ thực hiện ủ sữa với máy hâm sữa theo các bước:
- Bước 1: Thêm nước vào máy hâm nóng, đảm bảo mực nước trong máy cao hơn mực sữa trong bình.
- Bước 2: Cho bình sữa đã đậy kín nắp vào khay.
- Bước 3: Bật máy, đặt nhiệt độ ủ ấm 37 độ C và tiến hành ủ sữa cho bé. Chỉ sau 2 – 3 phút là máy sẽ ủ xong, mẹ lấy ra và dùng được rồi đấy ạ!
2.3. Ủ sữa bằng bình giữ nhiệt
Ngoài các dụng cụ chuyên dụng trên, dùng bình giữ nhiệt ủ sữa cho bé cũng mang lại hiệu quả giữ nhiệt tốt, tiện lợi cho mẹ khi cần phải mang sữa cho bé khi ra ngoài.
2.3.1 Bình giữ nhiệt là gì?
Bình giữ nhiệt là vật dụng được sử dụng để chứa nước nóng, trà nóng và cả sữa ấm cho bé. Bình có khả năng giữ nhiệt tốt nhờ cấu tạo 2 phần:
- Phần thân bình 3 lớp: hai lớp vỏ inox và lớp chân không cách nhiệt ở giữa, ngăn cản nhiệt từ trà, sữa, nước nóng trong bình thoát ra bên ngoài.
- Phần nắp bình 2 tầng: tầng nắp bên trong có kèm ron cao su hoặc silicon, giúp miết chặt miệng bình, giảm thoát nhiệt ra ngoài và giữ ấm sữa lâu hơn.
2.3.2 Lợi ích và đặc điểm nổi bật
Bình giữ nhiệt có ưu điểm:
- Giá thành phải chăng, dễ tìm mua tại các cửa hàng gia dụng.
- Thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo khi ra ngoài.
- Chất liệu inox bền đẹp, an toàn, không giải phóng chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
2.3.3 Cách ủ sữa bằng bình giữ nhiệt
Mẹ ủ ấm sữa cho bé bằng bình giữ nhiệt theo các bước sau:
- Bước 1: Vắt sữa hoặc pha sữa cho bé vào bình giữ nhiệt đã được làm sạch và tiệt trùng tương tự như bình sữa của bé.
Mẹ tham khảo: Bí quyết rửa bình sữa sạch và tiện lợi của mẹ thông thái.
- Bước 2: Đậy chặt nắp bình.
- Bước 3: Dùng sữa ủ trong bình giữ nhiệt trong vòng 2 giờ. Khi cần dùng cho bé, mẹ đổ sữa từ bình giữ nhiệt sang bình sữa và cho bé bú như bình thường.
2.4. Ủ sữa cho bé bằng bình ủ sữa
Bình ủ sữa có thiết kế gọn nhẹ và mang lại hiệu quả giữ nhiệt tốt, giúp sữa của con ấm nóng trong thời gian dài.
2.4.1 Bình ủ sữa là gì?
Bình ủ sữa là dụng cụ giúp mẹ ủ ấm sữa cho bé trong khoảng 2 – 5 tiếng. Bình được thiết kế 2 loại:
- Bình ủ sữa dùng điện: Bình làm nóng, giữ ấm sữa nhờ nguồn điện từ pin hoặc sạc dự phòng nhỏ gọn, mẹ tiện mang ra ngoài, không cần cắm điện mà bình sữa của con vẫn giữ được độ ấm nóng như ban đầu.
- Bình ủ sữa không dùng điện: Được cấu tạo 3 lớp: lớp trong giữ nhiệt, lớp giữa ngăn cản sự tỏa nhiệt, và lớp ngoài cách nhiệt, mang lại hiệu quả ủ sữa cao, duy trì nhiệt độ và dinh dưỡng sữa cho bé.
2.4.2 Lợi ích và đặc điểm nổi bật
Bình ủ sữa cho bé có ưu điểm:
- Thiết kế gọn nhẹ, mẹ dễ mang theo khi ra ngoài.
- Dễ sử dụng, mẹ chỉ cần cho bình sữa vào túi khi muốn ủ ấm sữa và lấy bình ra khi muốn cho bé bú.
2.4.3 Cách ủ sữa bằng bình ủ sữa
- Với bình ủ sữa không dùng điện: mẹ vắt hoặc pha sữa vào bình sữa, sau đó đặt bình sữa vào bình ủ, khóa chặt miệng bình ủ và dùng sữa cho bé trong vòng 2 giờ.
- Với bình ủ dùng điện: mẹ cũng vắt, pha sữa và đặt bình sữa vào bình ủ, khóa miệng bình ủ, sau đó bật công tắc hoặc cắm ổ cắm vào sạc dự phòng. Nguồn điện sẽ giúp mẹ bảo quản sữa lâu hơn, trong vòng 3 – 5 tiếng đồng hồ.
3. Mom thường thắc mắc gì khi ủ sữa cho bé?
3.1. Trong 4 cách ủ sữa trên nên chọn cách nào?
Để ủ sữa cho con, mẹ ưu tiên sử dụng máy hâm sữa, giúp duy trì nhiệt độ sữa ở mức chuẩn nhất trong thời gian dài, mẹ không cần kiểm tra lại nhiệt độ sữa khi muốn dùng sữa cho bé. Trong trường hợp mẹ cần đi ra ngoài, mẹ sử dụng bình ủ sữa hoặc túi giữ nhiệt có sử dụng điện. Nguồn điện sẽ giúp mẹ giữ sữa của bé được ấm nóng lâu hơn, con cũng được dùng sữa dinh dưỡng và thơm ngon nhất.
3.2. Ủ sữa có mất đi chất dinh dưỡng không?
Ủ sữa là cách giúp duy trì dinh dưỡng trong sữa cho bé. Khi ủ, nhiệt độ ấm nóng sẽ ngăn cản vi khuẩn phát triển và giữ nguyên chất lượng dinh dưỡng sữa như ban đầu. Mẹ an tâm sử dụng sữa ủ cho bé trong vòng 2- 5 giờ mẹ nhé!
3.3. Ủ sữa cho bé được bao lâu?
Khi mẹ ủ sữa đúng cách, tùy từng phương pháp, sữa của bé sẽ giữ được dinh dưỡng trong vòng 2 – 5 giờ. Trừ trường hợp: túi giữ nhiệt, bình ủ sữa bị hở, mẹ đậy nắp không chặt, lượng nước trong máy hâm sữa quá ít…; sữa của bé sẽ bị hỏng và có các dấu hiệu như: sữa nguội lạnh, sủi bọt, có mùi hôi… mẹ bỏ sữa đi và không dùng sữa cho bé nữa.
Sau khi ủ và lấy ra ngoài, sữa của bé ở nhiệt độ phòng chỉ dùng được trong vòng 1 giờ. Quá thời gian 1 giờ, do chứa nhiều dinh dưỡng cho vi khuẩn phát triển, sữa bị nguội sẽ hỏng rất nhanh, dễ gây tiêu chảy, đau bụng… ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con.
Ủ sữa cho bé giúp mẹ bảo quản, duy trì sữa ấm nóng và dinh dưỡng trong vòng 2 – 5 giờ. Mẹ lưu ý khóa kín nắp bình sữa và miệng vật dụng ủ sữa để sữa ủ không bị thoát nhiệt ra ngoài, làm sữa nguội lạnh, giảm dinh dưỡng và sinh sôi vi khuẩn. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để được giải đáp nhanh chóng.