Giữa cuộc sống hối hả, sách là khoảng lặng hiếm hoi để mình về với an yên. Những câu chuyện gần gũi, hồn nhiên không chỉ làm lòng người bình lặng hơn mà còn khơi dậy biết bao ký ức thời thơ bé.
Mục lục
1. “Hoàng tử bé” – Antoine de Saint-Exupéry
Với nhiều thế hệ, “Hoàng tử bé” là tựa sách thiếu nhi đã gắn liền với tuổi thơ. Với lối kể chuyện ngộ nghĩnh, đáng yêu, “Hoàng tử bé” đã tái hiện lại hành trình trưởng thành của hoàng tử nhỏ khi khám phá những vùng đất mới. Câu chuyện về bông hồng, chuyến du hành đến các tiểu hành tinh, cuộc gặp gỡ với những con người mới,…, “Hoàng tử bé” thu hút bao thế hệ độc giả bởi cách truyền tải nhân văn qua những mẩu chuyện nhỏ.
2. “Chuyện con chó tên là Trung Thành” – Luis Sepúlveda
Luis Sepúlveda là một cây bút dành cho trẻ thơ. Ông đã có nhiều cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng như “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp”,… Những tác phẩm của ông đặc trưng bởi cách khắc họa nhân vật dung dị, gần gũi và những thông điệp đẹp về tình yêu.
Tương tự như các tác phẩm khác của Luis, “Chuyện con chó tên là Trung Thành” cũng tái hiện lại một thế giới động vật đầy nhân văn và đẹp đẽ. Bằng giọng văn chậm rãi, man mác buồn, cuốn sách đã làm “sống dậy” từ cuộc hành trình của chú chó Trung Thành cùng chủ nhân mình.
Cuốn sách cũng truyền tải những thông điệp sâu sắc về tình bạn, về sự kết nối của muôn loài với tự nhiên. Từ mối quan hệ của Trung Thành và người chủ, từ cách mà Trung Thành luôn hướng về những người bạn của mình, cuốn sách đã làm lay động bao thế hệ người đọc bởi những rung cảm rất tự nhiên.
3. “Cô gà mái xổng chuồng” – Hwang Sun-Mi:
“Cô gà mái xổng chuồng” là cuốn sách về những điều nhỏ bé. Nhỏ bé mà đẹp đẽ tựa như ước mơ của cô gà mái Mầm Lá.
Mầm Lá là một cô gà mái rất đặc biệt. Mầm Lá là cô gà mái duy nhất trong đàn đến giờ ăn không chúi đầu vào máng. Mầm Lá cũng là cô gà duy nhất tự đặt cho mình một cái tên riêng. Và Mầm Lá có một ước mơ: một ngày được ấp quả trứng của mình.
Từ cuộc phiêu lưu của Mầm Lá, “Cô gà mái xổng chuồng” đã khơi dậy biết bao suy ngẫm về hành trình theo đuổi ước mơ, về khát khao được sống là chính mình. Câu chuyện cũng khiến người đọc thấu hiểu hơn về tình mẫu tử, về tình yêu bao la của người mẹ.
4. “Alice ở xứ sở thần tiên” – Lewis Carrol
“Alice ở xứ sở thần tiên” là một tựa sách thiếu nhi chẳng còn xa lạ. Ắt hẳn trong ký ức của nhiều người, hình ảnh một cô bé Alice vẫn còn đọng lại, một cô bé nhỏ nhắn, mặc chiếc váy xanh khám phá ngàn vạn biến hóa của một xứ sở diệu kì. Sức hút của “Alice ở xứ sở thần tiên” đến từ những điều không tưởng. Chẳng thể ngờ về một chú thỏ trong bộ tuxedo. Chẳng thể đoán về chiếc hang sâu hun hút dẫn lối đến vùng đất lạ.
5. “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” – Lucy Maud Montgomery
Có thể nói câu chuyện về Anne tóc đỏ là khoảng trời trong veo trong thơ ấu của mỗi người. Bởi lẽ, ở Anne, người đọc luôn thấy những câu chuyện gần gũi. Từ hình ảnh về một cô bé hóm hình, giàu trí tưởng tượng, câu chuyện về những người bạn, người hàng xóm giữa vùng quê yên ả,…, “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” như một phiên bản mộng mơ hơn của tuổi thơ ấu, khiến lòng người chợt dịu dàng và ấm áp.
6. “Dế Mèn phiêu lưu ký” – Tô Hoài
Nhiều thế hệ trẻ Việt Nam đã cùng lớn lên với “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Đó là những trang viết đầy dung dị, ngộ nghĩnh mà cũng thấm đẫm những chiêm nghiệm của một đời người. Bởi lẽ câu chuyện của Dế Mèn được viết nên từ chính ký ức của nhà văn. “Chính cảm hứng phiêu lưu trong tôi đã giúp tôi viết được ‘Dế Mèn phiêu lưu kí’” – Tô Hoài đã từng chia sẻ như vậy.
Đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký” dường như cũng là về với quê nhà. Thanh bình như những cành cây, ngọn cỏ. Rộn rã như những cuộc phiêu lưu. Và khó quên như một mảnh ghép của sự trưởng thành.
7. “Kính vạn hoa” – Nguyễn Nhật Ánh
“Kính vạn hoa” có lẽ là cuốn sách thiếu nhi gối đầu giường của nhiều thế hệ Việt. Thông qua góc nhìn của bộ 3 bạn thân Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh cận, tập truyện như chiếc kính vạn hoa đẹp đẽ, tái hiện lại kỷ niệm tuổi thơ của bao người Việt.
8. “Góc sân và khoảng trời” – Trần Đăng Khoa:
“Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy”
Những cuốn sách thiếu nhi không chỉ là những tập truyện ngộ nghĩnh mà còn có thể là những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên. Được viết dưới góc nhìn của một đứa trẻ 10 tuổi, tập thơ của Trần Đăng Khoa đã tái hiện lại khoảng trời thuở nhỏ trong lòng người, với cánh diều, cây đa, mái đình…
Những trang sách dành cho trẻ nhỏ có thể không phải là những mẩu chuyện lớn lao. Đó có thể chỉ là câu chuyện về những điều nhỏ bé. Đó có thể chỉ là hình ảnh của những điều quen thuộc. Nhưng có lẽ, đó cũng chính là cách mà những trang sách dành cho trẻ thơ sống mãi trong lòng độc giả. Thật dịu dàng và an yên.