Sinh con không phải vấn đề của riêng phụ nữ. Để một đứa bé được hình thành cần có sự “đóng góp” của cả bố và mẹ. Chính vì thế, khả năng sinh sản của nam giới cũng là vấn đề cần được quan tâm. Nhất là hiện nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tỉ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất Thế giới. Góc của mẹ hôm nay sẽ chia sẻ những tips hiệu quả nhất để nâng cao khả năng sinh sản cho các bố, giúp bố mẹ nhanh chóng đón “niềm hạnh phúc” của mình.
Mục lục
1. Khả năng sinh sản ở nam giới
Khả năng sinh sản ở nam giới là một quá trình tương đối phức tạp. Để có thể khiến cho “người bạn đời” mang thai, những điều kiện sau đây chắc chắn không thể thiếu được
1.1. Phải sản xuất được tinh trùng khỏe mạnh
Điều kiện tiên quyết đầu tiên, người nam cần phải sản xuất được tinh trùng khỏe mạnh. Điều này xuất phát từ sự hình thành và tăng trưởng cơ quan sinh sản nam ngay từ giai đoạn dậy thì. Ít nhất một trong hai tinh hoàn phải hoạt động chính xác và cơ thể nam giới phải sản xuất testosterone và các hormone khác giúp kích hoạt và duy trì sản xuất tinh trùng.
1.2. Tinh trùng phải được trộn lẫn trong tinh dịch
Một khi tinh trùng được sản xuất trong tinh hoàn, các ống dẫn tinh sẽ vận chuyển chúng trộn lẫn với tinh dịch cho đến khi được xuất tinh ra khỏi dương vật
1.3. Đủ số lượng tinh trùng trong tinh dịch
Lượng tinh trùng ít sẽ giảm tỷ lệ tinh trùng thụ tinh được với trứng. Ít hơn 15 triệu tinh trùng trên một mililit tinh dịch hoặc ít hơn 39 triệu mỗi lần xuất tinh sẽ làm giảm khả năng sinh sản nam giới.
1.4. Tinh trùng phải có chức năng và có thể di chuyển
Nếu chuyển động hoặc chức năng của tinh trùng bất thường, tinh trùng sẽ không thể tiếp cận hoặc xâm nhập vào trứng. Khi đó, khả năng thụ thai sẽ không thể xảy ra.
2. Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới
2.1. Bệnh lý
Khả năng sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về sức khỏe và phương pháp điều trị trước đó. Sau đây sẽ là một số ví dụ thường gặp.
2.1.1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là giãn rộng của các tĩnh mạch trong bìu, túi da chứa tinh hoàn. Đây là nguyên nhân gây vô sinh nam phổ biến hiện nay. Việc sản xuất tinh trùng khi đó sẽ thấp và chất lượng tinh trùng giảm. Tuy nhiên, bệnh này rất dễ chẩn đoán được. Nếu chúng gây ra các triệu chứng, có thể được chữa trị bằng phẫu thuật.
2.1.2. Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng có thể cản trở việc sản xuất tinh trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự di chuyển của tinh trùng. Chúng bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Nhiễm trùng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn. Từ đó gây ra vô sinh.
2.1.3. Vấn đề xuất tinh
Xuất tinh ngược xảy ra khi tinh dịch đi vào bàng quang thay vì xuất lên đầu dương vật. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là các vấn đề về sức khỏe ở nam giới. Tiểu đường, chấn thương cột sống, phẫu thuật bàng quang, tuyến tiền liệt. Một số nam giới bị chấn thương tủy sống hoặc một số bệnh nhất định khiến họ không thể xuất tinh, mặc dù vẫn sản xuất tinh trùng. Để khắc phục có thể nhờ sự can thiệp của các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
2.1.4. Kháng thể tấn công tinh trùng
Kháng thể chống tinh trùng là các tế bào hệ thống miễn dịch xác định nhầm tinh trùng có hại và cố gắng loại bỏ chúng.
2.1.5. Khối u
Ung thư hay các khối u có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản nam giới. thông qua các tuyến tiết ra các hormone liên quan đến sinh sản. Ví dụ như tuyến yên hoặc thông qua các nguyên nhân chưa biết. Trong một số trường hợp, phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị khối u có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nam giới.
2.1.6. Tắc nghẽn ống dẫn tinh
Tắc nghẽn ống dẫn tinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chấn thương do tai nạn phải phẫu thuật, nhiễm trùng trước đó, chấn thương hoặc phát triển bất thường, chẳng hạn như bị xơ nang hoặc các tình trạng di truyền tương tự. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào. Bao gồm cả trong tinh hoàn, trong các ống dẫn lưu tinh hoàn, trong mào tinh hoàn, trong ống dẫn tinh, gần ống dẫn xuất tinh hoặc trong niệu đạo
2.1.7. Khiếm khuyết nhiễm sắc thể
Các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter – trong đó một nam sinh ra có hai nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y (thay vì một X và một Y). Điều này gây ra sự phát triển bất thường của cơ quan sinh sản nam. Các hội chứng di truyền khác liên quan đến vô sinh bao gồm xơ nang, hội chứng Kallmann và hội chứng Kartagener.
2.1.8. Vấn đề trong quan hệ tình dục
Bao gồm những khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng đủ cho quan hệ tình dục (rối loạn cương dương), xuất tinh sớm hoặc các vấn đề về tâm lý trong quan hệ.
2.1.9. Bệnh Celiac
Đây là chứng rối loạn tiêu hóa bởi sự nhạy cảm với gluten. Khả năng sinh sản có thể cải thiện sau khi áp dụng chế độ ăn không có gluten.
2.1.10. Một số loại thuốc
Sử dụng liệu pháp thay thế testosterone, thuốc trị ung thư (hóa trị liệu), một số loại thuốc chống nấm và một số loại thuốc khác có thể làm giảm sản xuất tinh trùng. Từ đó giảm khả năng sinh sản của nam giới.
2.1.11. Những lần phẫu thuật trước
Một số trường hợp phẫu thuật có thể ngăn cản sự xuất tinh ở nam giới. Bao gồm cắt ống dẫn tinh, phẫu thuật bìu hoặc tinh hoàn, phẫu thuật tuyến tiền liệt,…
2.2. Môi trường sinh sống
Tiếp xúc với môi trường có độc tố, hóa chất hay nhiệt độ không phù hợp có thể làm giảm khả năng sản xuất và chức năng của tinh trùng.
2.2.1. Hóa chất công nghiệp
Tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất làm giảm số lượng tinh trùng. Ví dụ như benzenes, toluene, xylene, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn và chì.
2.2.2. Tiếp xúc với kim loại nặng
Tiếp xúc với chì hoặc các kim loại nặng khác cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản nam giới. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến vô sinh.
2.2.3. Tia bức xạ hoặc tia X
Tiếp xúc với bức xạ có thể làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng tạm thời. Tuy nhiên, với liều lượng cao, việc sản xuất tinh trùng có thể giảm vĩnh viễn.
2.2.4. Nhiệt độ cao
Nhiệt độ cao cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm khả năng sản xuất và chức năng của tinh trùng. Các nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn hạn chế và chưa có kết luận chính thức. Nhưng việc sử dụng thường xuyên phòng xông hơi hoặc bồn nước nóng có thể tạm thời làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Ngoài ra, mặc quần áo quá chật hoặc ngồi trước máy tính xách tay trong một khoảng thời gian dài có thể cản trở việc sản xuất tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
2.3. Sức khỏe, chế độ sinh hoạt và các nguyên nhân khác
2.3.1. Sử dụng rượu, bia
Uống rượu có thể làm giảm nồng độ testosterone, gây rối loạn chức năng cương dương và giảm khả sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, nam giới uống quá nhiều rượu bia có nguy cơ mắc bệnh gan. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
2.3.2. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá dẫn đến giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Không chỉ thế, hút thuốc thụ động cũng gây tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản nam.
2.3.3. Căng thẳng
Trạng thái căng thẳng có thể ảnh hưởng đến một số hormone cần thiết cho quá trình sản xuất tinh trùng. Nếu để trạng thái căng thẳng kéo dài, sẽ rất khó khăn để thụ thai.
2.3.4. Thừa cân
Béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản theo nhiều cách. Nó tác động trực tiếp đến tinh trùng cũng như bằng cách gây ra sự thay đổi hormone. Tất cả đều làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.
Xem thêm: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
3. Các tips nâng cao khả năng sinh sản ở nam giới
3.1. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp tăng mức testosterone và cải thiện khả năng sinh sản nam giới. Các nghiên cứu cho thấy đàn ông tập thể dục thường xuyên có mức testosterone cao hơn và chất lượng tinh dịch tốt hơn. Tuy nhiên, bất kể điều gì cũng cần sự điều độ. Tập thể dục quá mức có thể có tác dụng ngược lại, làm giảm nồng độ testosterone. Vì vậy muốn cải thiện khả năng sinh sản hãy đặt sự ưu tiên cho các hoạt động thể chất.
3.2. Bổ sung đủ vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, chúng còn giúp cải thiện khả năng sinh sản. Bổ sung đủ vitamin C có thể ngăn ngừa các tác hại do căng thẳng gây ra và cải thiện chất lượng tinh dịch. Một nghiên cứu ở những người đàn ông vô sinh cho thấy, bổ sung 1.000 mg vitamin C hai lần một ngày trong tối đa 2 tháng làm tăng khả năng vận động của tinh trùng lên 92%. Số lượng tinh trùng tăng hơn 100%. Nó cũng làm giảm 55% các tế bào tinh trùng bị biến dạng.
3.3. Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng quá độ
Căng thẳng có thể làm giảm sự thỏa mãn trong quan hệ tình dục. Từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Căng thẳng kéo dài làm tăng nồng độ cortisol, có tác động tiêu cực mạnh đến testosterone. Khi cortisol tăng lên, nồng độ testosterone có xu hướng giảm. Các loại căng thẳng nghiêm trọng có thể được điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số loại khác nhẹ hơn được khắc phục bằng các kỹ thuật thư giãn. Quản lý căng thẳng có thể đơn giản như đi dạo trong tự nhiên, thiền, tập thể dục hoặc dành thời gian với bạn bè.
3.4. Bổ sung đủ vitamin D
Vitamin D giúp tăng nồng độ testosterone. Nghiên cứu cho thấy những người đàn ông thiếu vitamin D có nhiều khả năng có mức testosterone thấp. Uống đủ vitamin D mỗi ngày làm tăng mức testosterone của họ lên khoảng 25%.
3.5. Bổ sung đủ kẽm
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu được tìm thấy với hàm lượng cao trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Chẳng hạn như thịt, cá, trứng và động vật có vỏ. Kẽm liên quan trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Thiếu kẽm dẫn đến mức testosterone thấp, chất lượng tinh trùng kém và tăng nguy cơ vô sinh nam.
3.6. Một số tips hiệu quả khác
Bất cứ điều gì cải thiện sức khỏe tổng thể đều có khả năng làm tăng khả năng sinh sản. Dưới đây là 8 tips hiệu quả khác để tăng số lượng / chất lượng tinh trùng
- Duy trì lối sống lành mạnh.
- Giảm cân (nếu bị thừa cân). Nếu bị thừa cân, hay ưu tiên cho việc giảm cân. Béo phì có thể dẫn đến vô sinh.
- Hạn chế uống rượu. Tránh tiêu thụ rượu nặng, vì nó có thể làm giảm nồng độ testosterone và làm giảm chất lượng tinh dịch.
- Bổ sung đủ folate. Thiếu folate có thể làm giảm chất lượng tinh dịch.
- Ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc là “liều thuốc” để duy trì sức khỏe. Giấc ngủ bị hạn chế hoặc quá mức cũng khiến chất lượng tinh dịch kém đi.
- Ăn quả óc chó. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như quả óc chó, có lợi cho khả năng sinh sản.
- Tránh ăn quá nhiều đậu nành. Đậu nành làm giảm chất lượng tinh dịch
Hi vọng bài viết trên mang đến cho những người cha tương lai những thông tin giá trị, giúp bố mẹ có thể sớm đón niềm vui như mong muốn.