Đã qua cái thời mẹ bỉm sửa phải “đầu tắt mặt tối”, tuân theo những quan điểm kiêng khem truyền thống khắt khe. Giờ đây, cuộc sống của mẹ “gen Z” đã có rất nhiều thay đổi, từ phong cách mẹ bầu đến những quan điểm sinh con, nuôi con. Vậy đây có phải là những khác biệt mang tên “thế hệ”?
Mục lục
1. Dấu hiệu chào đón bé yêu
- Xưa: Mẹ phải chờ đến 2-3 tháng để xác định bản thân mình thực sự mang thai, qua dấu hiệu như kinh nguyệt đến chậm, hoặc bụng mẹ to dần theo từng ngày.
- Nay: Không cần chờ đợi quá lâu, chỉ sau khi quan hệ 7 ngày, mẹ đã có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra trong vỏn vẹn 5 phút. Mẹ hãy thử 2-3 lần để chắc chắn hơn về kết quả. Ngoài ra để chắc chắn hơn nữa, mẹ có thể xét nghiệm máu từ ngay những ngày đầu thụ thai.
2. Siêu âm thai kỳ
- Xưa: Việc nhìn thấy hình ảnh của bé trong bụng mẹ gần như là điều không thể. Mẹ cũng không biết giới tính của bé cho đến khi bé chào đời.
- Nay: Thời đại 4.0 mới, mẹ có theo dõi và lưu giữ lại sự phát triển từng ngày, từng tuần của bé yêu. Không chỉ vậy, mẹ còn có thể nhìn rõ khuôn mặt bé qua những phương pháp siêu âm 3D, 4D. Những tiến bộ của Y học cũng giúp mẹ sàng lọc và phát hiện những dấu hiệu, nguy cơ về sức khoẻ của bé để có biện pháp điều trị, khắc phục phù hợp.
3. Thời trang bà bầu
- Xưa: Kiểu váy yếm có phần chun ở ngực, xòe rộng phần thân lần đầu tiên xuất hiện và trở thành một trong những trang phục không thể thiếu trong tủ đồ của mẹ bầu, với tác dụng “che” đi những khuyết điểm của mẹ. Người xưa quan niệm việc có bầu làm giảm đi vẻ đẹp của mẹ, vậy nên trang phục cho mẹ suốt 9 tháng 10 ngày cần phải hỗ trợ giấu đi những khuyết điểm đó. Khi mang thai, mẹ bầu thường ít khi “lộ diện” vì thân hình trở nên tròn trịa, váy áo thùng thình, mái tóc không bóng mượt, khiến các mẹ trông “kém thời trang”.
- Nay: Mẹ bầu vẫn luôn xinh đẹp, tự tin bất chấp những thay đổi về ngoại hình.Thời trang của mẹ bầu “che” nhưng vẫn “khoe”. Phong cách của mẹ bầu gen Z không còn cứng nhắc như trước, mà có những thiết kế mới lạ, chỉn chu, gần với thời trang thường ngày hơn. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng dành hẳn một mùa trong năm để đầu tư, chăm chút cho bộ sưu tập của mẹ bầu. Ngoài ra, khái niệm “nội y bầu” cũng được nhiều hãng thời trang trên thế giới đầu tư nhằm đem đến tâm lý thoải mái, sức khỏe đảm bảo cho cả mẹ và bé.
4. Tìm kiếm thông tin
- Xưa: Mẹ nuôi con hoàn toàn nhờ vào kinh nghiệm dân gian “bỏ túi” được từ những thế hệ đi trước. Thậm chí những quy tắc kiêng khem nghiêm ngặt cũng cần được tuân theo tuyệt đối. Mặc dù những kinh nghiệm và quy tắc đó có mục đích bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé, nhưng nhiều quan điểm đã không còn phù hợp cần được thay đổi.
- Nay: Thời đại công nghệ mới, mẹ có trợ thủ đắc lực là Google, cùng nhiều những hội nhóm trên mạng xã hội hỗ trợ việc sinh con và chăm con. Các quy tắc không chỉ dựa trên kinh nghiệm của thế hệ trước, mà còn được phân tích theo khoa học, y học. Ngoài ra, những chuyên gia hoặc các lớp học về thai sản, tiền sản, chăm sóc bé yêu cũng mọc lên như nấm, giúp đỡ mẹ rất nhiều trong giai đoạn khó khăn này.
5. Chế độ ăn uống của mẹ bầu và mẹ sau sinh
- Xưa: Mẹ bầu luôn quan niệm thức ăn dung nạp vào cơ thể cả lượng và chất đều dành cho 2 người. Điều đó có nghĩa là ăn càng nhiều thì sau này con ra đời sẽ càng khỏe. Các mẹ xưa cũng hiểu được rằng cần phải ăn đầy đủ chất, đa dạng các món ăn. Mẹ tăng cân quá nhiều vì bị ông bà ép ăn…xôi và chân giò hàng ngày. Hậu quả là sau khi sinh, mẹ tăng thêm mấy chục cân mà con chưa chắc đã đủ cân. Bữa cơm ở cữ cũng là cơn “ác mộng” của mẹ. Mẹ sau sinh phải ăn mặn, ăn khô cho chặt bụng, phải ăn nhiều móng giò, cơm trắng cho lợi sữa. Kiêng hải sản, kiêng đồ chua, kiêng trái cây, cùng nhiều loại thực phẩm khác.
- Nay: Các nghiên cứu khoa học chứng minh sự phát triển của bé sau này được xây dựng ngay từ trong thai kỳ. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ mang thai cũng cần phải hợp lý, khoa học, để giúp bé có được khởi đầu tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng tăng cân quá nhiều sau sinh cho mẹ. Bữa cơm ở cữ của mẹ cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Mẹ chỉ cần kiêng những thứ thật cần thiết: các gia vị cay, nóng như ớt, tiêu, tỏi và hạn chế các đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê.
6. Tắm gội sau sinh
- Xưa: Mẹ sau sinh phải kiêng tắm gội ít nhất là 1 tháng và đúng lệ là 3 tháng 10 ngày. Tuy nhiên về khoa học, cơ thể lâu ngày không tắm là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Vết khâu tầng sinh môn, vết mổ cũng dễ nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh ngoài da. Sữa mẹ nếu không vệ sinh sạch dễ bị sữa thừa đọng lại đầu ti gây tắc tia sữa. Bé ti mẹ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy.
- Nay: Mẹ sinh thường sau 3-4 ngày, mẹ sinh mổ sau 1 tuần có thể tắm gội sạch sẽ bằng nước ấm. Mẹ tắm nhanh 5-10 phút trong phòng kín, tránh gió lùa là được. Tắm xong lau người thật khô.
7. Ở cữ có thực sự cần thiết?
- Xưa: Sau khi sinh, mẹ phải kiêng đủ mọi thứ từ việc chải răng, xem tivi, nói chuyện, không được ngồi nhiều, không được dùng quạt, dùng điều hòa cho dù thời tiết có nóng nực thế nào. Thậm chí ở nhiều địa phương, mẹ còn phải nằm than để cơ thể ấm lại, máu huyết lưu thông, tuần hoàn máu tốt hơn và để trẻ sơ sinh nhanh cứng cáp.
- Nay: Mẹ không còn kiêng cữ nhiều như trước. Chỉ sau sinh 1 ngày, mẹ đã có thể thoải mái chải răng, đi lại nhẹ nhàng. Điều quan trọng là mẹ cần bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi cũng như chăm sóc con sao cho phù hợp. Việc kiêng cữ sau sinh nở là cần thiết, tuy nhiên mẹ cần chọn lọc và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để sức khỏe sớm phục hồi và tốt nhất cho bé yêu.
8. Gia đình và sự nghiệp
- Xưa: Mẹ phải luôn gắn liền, tất bật “bỉm sữa”, phải ở nhà “nội trợ”, chăm con, làm việc nhà,…. Thậm chí việc gác lại sự nghiệp, đam mê của bản thân để dành thời gian cho gia đình là “đương nhiên”.
- Nay: Mẹ thời hiện đại đã chứng minh rằng, việc dành thời gian cho công việc không có nghĩa rằng mẹ “bỏ bê” gia đình. Cha và mẹ cùng nhau chia sẻ, gánh vác những công việc chung để gia đình ngày càng êm ấm, hạnh phúc. Phần lớn mẹ thời nay đều chọn lựa tiếp tục theo đuổi đam mê của mình để có tiếng nói và quan điểm riêng trong gia đình và xã hội.
9. Tôn trọng quyền riêng tư của con
- Xưa: Dân gian có quan niệm “Cá không ăn muối cá ươn”, cha mẹ cũng thường có tư tưởng áp đặt con cái, phải nghe lời và không được cãi lời. Mọi thay đổi trong cuộc đời con đều được cha mẹ quyết định và luôn cho là đúng.
- Nay: Thế nhưng trong gia đình hiện đại mới, con sẽ được tôn trọng và lắng nghe, khuyến khích con tự do và tự quyết định những vấn đề trong khả năng có thể. Cha mẹ lúc này còn là người bạn để con tâm sự và chia sẻ những vấn đề dù là nhỏ nhất.
Quan điểm, suy nghĩ của mẹ bầu xưa và nay theo từng thế hệ có sự khác biệt lớn. Mẹ và bà có thể có những cách chăm sóc thai kỳ, sau sinh khác nhau. Nhưng dù mẹ chọn nguyên tắc nào, sức khoẻ mẹ và bé cũng cần được ưu tiên hàng đầu, mẹ đừng quên nhé!