Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái

Xin chào góc của mẹ!

Vậy là hành trình trở lại làm mẹ bỉm của mình được 5 tháng! Vui quá vì có đủ nếp đủ tẻ rồi! Thời gian đầu mình khá lo lắng và mệt mỏi vì mắt, mũi, miệng của bé gái nhà mình có vẻ nhạy cảm ơn anh trai, làm mình vất vả trong việc vệ sinh hơn nhiều!

Mình chật vật mất một khoảng thời gian để tìm ra những cách vệ sinh mắt mũi miệng cho trẻ sơ sinh đúng cách. Sau bao ngày mày mò website uy tín của nước ngoài, hỏi ý kiến chuyên gia, mình thu thập được kha khá những kiến thức về việc chăm sóc bé. Mình xin chia sẻ cách vệ sinh mắt mũi miệng cho trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây với mong muốn các mẹ bớt vất vả hơn trong việc vệ sinh mắt, mũi, miệng cho bé!

1. Cách vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh

Vệ sinh mắt trẻ sơ sinh là vô cùng cần thiết các mẹ nhé! Bởi đây là một trong những giác quan quan trọng giúp bé tiếp cận và học hỏi những điều thú vị từ thế giới bên ngoài đó ạ!

Mình vệ sinh mắt cho con thường xuyên vì theo như tìm hiểu, việc này có rất nhiều tác dụng như:

Tác dụng thứ nhất: Loại bỏ được phần lớn những tác nhân gây bệnh như bụi bẩn, vi sinh vật… Từ đó hạn chế và phòng ngừa những bệnh lý liên quan đến thị giác của bé.

Nhiều mẹ chủ quan rằng bé chưa tiếp xúc gì với khói bụi nên coi nhẹ việc vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên theo mình được biết, bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, tuyến lệ chưa phát triển hoàn thiện nên không có cơ chế tự làm sạch bằng nước mắt.

Tác dụng thứ hai: Loại bỏ vi sinh vật gây bệnh: Đặc biệt khi bé đang bị viêm, việc vệ sinh thường xuyên giúp bé cảm thấy dễ chịu và bớt quấy khóc hơn rất nhiều

Với những bé bị viêm kết giác mạc sau sinh, việc vệ sinh mắt giúp cải thiện rõ ràng những triệu chứng này. Bé cũng vì thế mà thoải mái vui chơi hơn nhiều.

(Dành cho mẹ nào chưa biết rõ, thì viêm kết giác mạc là hiện tượng 2 mắt con tiết dịch nhiều, dính vào nhau mỗi sáng khiến bé khó mở mắt ấy ạ!)

Cách vệ sinh miệng trẻ sơ sinh đúng giúp mắt bé khỏe hơn
Cách vệ sinh miệng trẻ sơ sinh đúng giúp mắt bé khỏe hơn

Vệ sinh mắt trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng chuẩn? Ban đầu mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là dùng khăn lau mắt cho bé cho sạch sẽ thôi. Nhưng có tìm hiểu mới biết, cần cả 1 quy trình đó các mẹ ạ.

1.1. Quy trình 4 bước vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh

Sau nhiều lần làm rồi rút kinh nghiệm, mình cảm thấy quy trình 4 bước dưới đây là phù hợp với bé gái nhỏ nhà mình nhất! Mẹ bỉm tham khảo cách làm của mình để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện gia đình và nhu cầu của con nhé!

Bước 1: Mình chuẩn bị sẵn những vật dụng sau:

  • Nước muối sinh lý (loại chuyên dùng để rửa mắt, nồng độ khoảng 0.3-0.9%), hoặc ½ thìa muối tinh sạch để pha loãng với nước ấm rửa mắt và mặt cho con.
  • 2 miếng gạc vô khuẩn vệ sinh từng bên mắt. Mẹ chỉ cần ra hiệu thuốc gần nhà là mua được rồi.
  • Nước ấm (khoảng 35-38 độ C là đủ ấm)
  • Khăn khô đa năng hoặc khăn xô mềm. Mình ưu tiên khăn khô đa năng vì chỉ dùng 1 lần, an toàn cho bé, mà mình cũng hơi “lười” giặt lại khăn, nên cứ dùng khăn đa năng cho tiện các mẹ ạ!
Chuẩn bị đủ dụng cụ và nguyên liệu trước khi vệ sinh mắt cho bé!
Chuẩn bị đủ dụng cụ và nguyên liệu trước khi vệ sinh mắt cho bé!

Bước 2: Để loại bỏ việc truyền vi khuẩn từ tay sang mắt con, mình rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn rồi mới tới các bước tiếp theo.

Bước 3: Mình lấy hai miếng gạc vô khuẩn thấm nước muối ướt. Dùng một miếng gạc nhẹ nhàng lau theo chiều từ đầu đến phần đuôi mắt của con, tương tự với bên mắt kia bằng miếng gạc còn lại.

Bước 4: Cuối cùng, mình dùng dung dịch nước muối 0.9% pha cùng nước ấm đã chuẩn bị sẵn, nhúng khăn khô đa năng và vắt nước đi, dùng khăn ẩm đó lau lại mặt cho con, lấy sạch hết những vết bẩn còn sót lại trên mặt và mắt của con.

1.2. Lưu ý khi vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh

Hiểu rằng việc vệ sinh mắt cho con không phải cứ lau rửa sạch sẽ là được. Sau khi sai rồi đọc, rồi sửa nhiều lần, mình muốn chia sẻ cho các mẹ một vài tips nhỏ để các mẹ rút ngắn thời gian tìm hiểu mà vẫn có cách vệ sinh mắt con thật đúng nhé ạ!

  • Tần suất: các mẹ nên vệ sinh mắt cho con 2-3 lần/ngày hoặc ngay khi thấy mắt con có nhiều gỉ cần làm sạch.
  • Tuyệt đối đừng dùng 1 gạc vô khuẩn để vệ sinh cả 2 mắt cho con vì như vậy sẽ rất dễ lây nhiễm những tác nhân gây bệnh của mắt bên này sang bên kia. Đặc biệt mẹ nào có con bị viêm kết giác mạc . Việc làm này vô tình sẽ khiến mắt còn lại bị lây bệnh.
  • Chọn đúng loại nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho con. Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) có nhiều loại lắm ạ! Có loại dùng cho rửa mắt, mũi, loại dùng để súc miệng, rửa vết thương, truyền nước,…Mình luôn chọn đúng loại rửa mắt mũi (là chai 10ml) để vệ sinh mắt riêng cho con, các mẹ đừng bỏ qua chi tiết này nhé!
Chọn đúng loại nước muối dùng cho mắt, mũi
Chọn đúng loại nước muối dùng cho mắt, mũi
  • Mình tuyệt đối tránh để các bác hàng xóm hay người lớn trong gia đình đang có những vấn đề về mắt bế và nựng con. Dù có yêu quý bé tới mấy nhưng mình cố gắng nhẹ nhàng giải thích là việc này sẽ khiến con bị lây do sức đề kháng con còn yếu, mọi người sẽ thông cảm thôi các mẹ ạ!

2. Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

Mình nhận thấy trong những tháng đầu sau sinh, mũi của bé gái nhà mình rất nhạy cảm, dễ mắc những vấn đề liên quan đến đường hô hấp. Mình vệ sinh mũi bằng cách nhỏ mũi cho con theo lời khuyên của ông bà. Sau này khi tìm hiểu kỹ hơn, cách vệ sinh mũi này đúng là mang lại hiệu quả thật đó mẹ ạ, giúp con thoáng đường thở, loại bỏ được các tác nhân gây ra các vấn đề về mũi cho con!

2.1. Cách nhỏ nước muối để rửa mũi cho bé

Cũng như vệ sinh mắt, vệ sinh mũi cũng cần theo quy trình nhưng nhiều bước hơn vệ sinh mắt một chút. Mình thực hiện cho bé nhà mình theo các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị:

  • Nước muối sinh lý chuyên biệt cho bé, giống loại chuyên dùng để rửa mắt, mũi đóng trong chai 10ml như mình nhắc bên trên đó ạ!
  • Mình vẫn ưu tiên dùng khăn khô đa năng mềm hơn khăn xô vừa tiện, vừa đảm bảo an toàn cho con.

Bước 2: Mình rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn trước khi vệ sinh cho con

Bước 3: Trước khi bắt đầu rửa mũi, mình đặt con nằm ngửa, để đầu con cao hơn thân người một chút để nước trong mũi không chảy ngược vào trong họng, con sẽ không nuốt phải dịch mũi.

Mẹ thật cẩn thận khi vệ sinh mũi cho bé nhé!
Mẹ thật cẩn thận khi vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh vì bé khá nhạy cảm

Bước 4: Từ từ nhỏ từ 2 – 3 giọt dung dịch nước muối vào mũi con và đợi 30 – 60 giây

Bước 5: Sau khi nhỏ mũi, mình để con nằm nghiêng sang một bên để những dung dịch còn đọng trong mũi chảy ra làm ráo mũi. Sau đó lấy khăn khô đa năng thấm nước mũi chảy ra cho con.

Bước 6: Khi thấy con thở lại bằng mũi bình thường, nước trong mũi chảy ra hết, mình lau xung quanh lỗ mũi bằng khăn xô sạch. Vậy là đã hoàn thánh quy trình vệ sinh mũi cho con rồi.

2.2. Lưu ý khi vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

Mình cũng hay trao đổi, tâm sự với các mẹ về việc chăm sóc con. Nhận thấy có nhiều mẹ gặp sai lầm y như mình lúc trước ví dụ như mút mũi cho con, rửa mũi con liên tục hay giữ dụng cụ hút mũi lại dùng trong ngày mà không rửa luôn sau khi dùng. Những lúc như vậy, mình vội dặn lại các mẹ ngay. Mẹ đọc xem có mắc phải những lỗi như dưới đây không nhé, nếu có thì các mẹ lưu ý lại và sửa luôn trong quá trình chăm con nha.

  • Tần suất: Mình chỉ rửa mũi cho con khoảng 2-5 lần/ngày tùy vào biểu hiện của con. Thời gian đầu không biết, mình đã phải đưa bé tới bác sĩ do rửa mũi cho con nhiều quá khiến lớp niêm mạc mũi của con bị đỏ và khóc rất nhiều. Cũng may là không quá trầm trọng, bác sĩ nói mình sạch vừa thôi, rửa mũi cho con nhiều quá khiến niêm mạc mũi của con tổn thương và mất đi độ ẩm tự nhiên nên sẽ đỏ và rát, con  mới khóc nhiều như vậy.
  • Trước đây, bà ngoại em bé vì thương cháu gái nên hay dùng miệng mút mũi khi thấy con khụt khịt khó thở. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, mình ngăn bà lại ngay vì biết rằng miệng của người lớn chứa rất nhiều vi khuẩn, việc mút mũi con rất dễ làm lây truyền vi khuẩn từ miệng sang hệ thống hô hấp của con. Mẹ mình từ đó cũng cẩn thận hơn, không tùy tiện mút mũi cho cháu gái như trước nữa.
  • Mình luôn cẩn thận làm sạch tất cả các bộ phận của thiết bị và ống bơm bằng xà phòng hoặc nước ấm sau khi sử dụng. Việc vệ sinh sạch sẽ các thiết bị và ống bơm giúp đảm bảo an toàn vệ sinh cho những lần dùng sau. Vì vệ sinh để làm sạch mũi, nên các thiết bị hỗ trợ rửa mũi cũng cần sạch phải không các mẹ!
  • Nếu bé quấy và quá vùng vẫy trong lúc rửa mũi, mình thường thử lại vào lúc khác, không ép con ngay lúc đó. Mình hiểu rằng khi con không thoải mái hợp tác, rất dễ dẫn tới những tổn thương trong quá trình rửa mũi.
Đưa con tới gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu nghiêm trọng mẹ nhé
Đưa con tới gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu nghiêm trọng mẹ nhé

3. Cách vệ sinh miệng cho bé sơ sinh

Mình từng nghĩ con mình chỉ ăn sữa nên miệng không chứa nhiều vi khuẩn. Nhưng một lần mình có đọc được bài viết của bác sĩ trên hội nhóm chăm con, mình mới “giật mình” tìm hiểu kỹ hơn, lúc đó mới “vỡ” ra là, trong khoang miệng con có rất nhiều vi khuẩn do thức ăn lắng đọng. Nếu như không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây mùi hôi và các vấn đề về da và miệng khác như  tưa lưỡi, nặng hơn là nổi mẩn đỏ quanh miệng, nấm miệng, viêm da quanh miệng,…

Một khi tưa lưỡi xuất hiện nhiều, con không cảm nhận được hương vị một cách tốt nhất, con sẽ chán ăn, chậm lớn. Ý thức được điều đó nên mình rất chú ý vệ sinh miệng cho con. Ngoài ra mình còn kết hợp với massage lợi để tốt cho quá trình mọc răng của bé sau này.

Mình có một vài mẹo để vệ sinh miệng cho bé nhà mình, các mẹ tham khảo nhé!

3.1. Vệ sinh miệng hàng ngày cho bé sơ sinh

  • Bước 1: Chuẩn bị gạc tưa lưỡi hình ống hoặc miếng gạc mềm, nước ấm và nước muối sinh lý (loại 0.9%)
  • Bước 2: Tiếp tục rửa thật sạch tay trước khi vệ sinh miệng cho bé con.
  • Bước 3: Mình cho con nằm trên giường. Mẹ nào thấy tư thế đó khó vệ sinh quá, mẹ có thể bế con trong tư thế nằm ngửa cũng được nhé
  • Bước 4: Quấn gạc quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống vô trùng có bán sẵn ở các hiệu thuốc vào ngón tay trỏ của mẹ.
  • Bước 5: Nhúng ẩm gạc bằng dung dịch muối loãng NaCl 0,9% hoặc nước ấm đã chuẩn bị.
  • Bước 6: Để con mở miệng cho mình vệ sinh, mình chạm nhẹ vào môi dưới của con. Sau đó, nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage nướu con trước. Cuối cùng đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi kéo ra phía ngoài để loại bỏ cặn sữa, tưa lưỡi.
Vệ sinh miệng hàng ngày cho bé sơ sinh
Vệ sinh miệng hàng ngày cho bé sơ sinh

3.2. Lưu ý khi vệ sinh miệng cho bé sơ sinh

Bé nhà mình ăn nhiều bữa mỗi ngày, cặn sữa, thức ăn đọng lại trên miệng con liên tục, con cũng chưa kiểm soát được việc đưa tay lên miệng ngậm, mút,…Chính vì thế, sợ miệng con bị nhiễm khuẩn, mình đã vệ sinh miệng liên tục cho con sau mỗi cữ ăn. Tuy nhiên, mình không hiểu sao việc này lại khiến con chán ăn hơn hẳn. Sau khi tìm hiểu, mình nhận ra vệ sinh miệng quá nhiều không hẳn là tốt nhất cho con. Mình đã thay đổi lại cách vệ sinh miệng cho con mà mình thấy hợp lý nhất:

  • Tần suất: Rút kinh nghiệm từ bé lớn, mình vệ sinh miệng cho bé gái nhà mình 2-3 lần/ngày trước mỗi cữ ăn chính sáng sớm, cữ trưa và trước cữ đi ngủ của con.
  • Mẹ đừng đưa ngón tay vào sâu trong họng con nhé, con sẽ dễ nôn trớ hơn đó mẹ.
  • Không vệ sinh miệng khi con vừa ăn xong. Theo mình được biết, thời điểm thích hợp nhất là trước khi ăn 30 phút, mẹ nên vệ sinh miệng và lấy tưa cho con để con ăn được ngon miệng hơn và thức ăn cũng có thời gian biến đổi thành một số lợi khuẩn trong miệng bé!
  • Mẹ nào có con bị tưa lưỡi (là hiện tượng xuất hiện những mảng màu trắng ở niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên của lưỡi). Mẹ nên chú trọng vệ sinh miệng cho bé nhẹ nhàng và kỹ hơn bằng cách lau nhẹ từ cuống lưỡi ra đầu lưỡi để mảng tưa lưỡi bong dần ra mà không gây ảnh hưởng tới niêm mạc lưỡi của con. Mình cũng tham khảo cách của bà ngoại bé dùng mật ong để đánh tưa lưỡi. Cách này cũng khá hiệu quả vì có thể làm sạch đồng thời kích thích vị giác cho con tốt hơn.
Lưu ý khi vệ sinh miệng cho bé sơ sinh
Lưu ý khi vệ sinh miệng cho bé sơ sinh

Trên đây là những kinh nghiệm mình tích lũy được trong hành trình làm mẹ của hai bé nhà mình! Hy vọng các mẹ thấy những thông tin này có ích với bản thân. Tuy nhiên, mình nghĩ các mẹ chỉ nên tham khảo và vệ sinh cho bé hàng ngày thôi ạ, nếu mẹ thấy bé có những biểu hiện mắt, mũi, lưỡi đỏ và kèm sốt, nôn, trớ liên tục thì mẹ đưa bé tới viện hoặc đến gặp bác sĩ để chẩn đoán tình hình chính xác và có biện pháp hợp lý cho bé nhé ạ!

Bé sơ sinh rất nhạy cảm với vi khuẩn và môi trường xung quanh do hệ miễn dịch còn non yếu. Do đó mẹ cần luôn chú ý cách vệ sinh mắt mũi miệng cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm như mắt mũi miệng của bé. Mẹ nào có kinh nghiệm hay mẹo nào chăm con hiệu quả chia sẻ cùng mình nhé!!

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

Bật mí: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng chuẩn khoa học
Bật mí: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng chuẩn khoa học
Ngày bé chào đời cũng là ngày mẹ nhiều cảm xúc nhất: Hạnh phúc, vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng,… Phải làm sao để chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng tốt nhất, làm sao trở thành mẹ thông thái bây giờ? Mẹ đừng lo! Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp mẹ […]
QUY TRÌNH chăm sóc em bé sơ sinh được nhiều mẹ áp dụng nhất
QUY TRÌNH chăm sóc em bé sơ sinh được nhiều mẹ áp dụng nhất
Lần đầu làm mẹ – cảm giác hạnh phúc đi kèm chút bỡ ngỡ, lo lắng. Làm sao để chăm sóc tốt nhất cho con, để con thật khỏe mạnh? Quy trình chăm sóc em bé sơ sinh chuẩn khoa học trong bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ trở thành “mẹ bỉm thông thái” […]
Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi một cách toàn diện
Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi một cách toàn diện
Được làm mẹ là một quá trình đầy thiêng liêng và vất vả của người phụ nữ. Bên cạnh việc mang thai và sinh nở, chăm sóc con cũng là một việc vô cùng quan trọng. Sức khỏe của con luôn là sự ưu tiên hàng đầu của mẹ. Chăm sóc bé như thế nào […]
Các mẹ đã biết cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách chưa?
Các mẹ đã biết cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách chưa?
Cách tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà nên được đặc biệt chú ý và tuân thủ theo mọi hướng dẫn của các sĩ. Trẻ sơ sinh thường chưa phát triển đầy đủ cơ thể. Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm. Phần hộp sọ chưa được phát triển đầy đủ. Vẫn còn phần dây […]
Giỏ hàng 0