Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Hướng dẫn mẹ cách rửa mắt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn tại nhà

Rửa mắt mũi cho bé tại nhà là phương pháp rất nhiều mẹ bỉm biết thực hiện nhưng có chắc mẹ đã làm đúng? Vệ sinh mắt mũi cho bé sai cách không chỉ gây khó chịu, đau rát, thậm chỉ tổn thương niêm mạc mắt, mũi của con. Hiểu được sự lo lắng của mẹ, Góc của mẹ hướng dẫn cách vệ sinh mắt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn tại nhà mẹ nào cũng làm được ngay dưới đây!

Vệ sinh mắt mũi cho bé yêu đúng cách
Vệ sinh mắt mũi cho bé yêu đúng cách

1. Vệ sinh mắt cho bé đúng cách và an toàn

1.1. Nguyên tắc vệ sinh mắt cho bé

Trước khi học các bước vệ sinh mắt cho bé, mẹ nên nắm thật vững những nguyên tắc vệ sinh cơ bản, lau rửa sạch sẽ toàn bộ cặn bẩn và vi khuẩn gây hại cho con. 3 nguyên tắc cho mẹ đây ạ: 

  • Vệ sinh mắt 2-3 lần/ngày: Mẹ nên vệ sinh mắt cho bé sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ để đảm bảo mắt con không còn gỉ, tránh nước tắm bẩn tiếp xúc với mắt gây đau mắt. Trong ngày nếu bé có gỉ mắt, mẹ nên lau rửa mắt cho bé luôn. 
  • Dùng gạc vô trùng riêng biệt cho mỗi bên mắt: Mẹ không nên dùng chung 1 gạc cho 2 mắt vì rất dễ tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn hoặc bệnh lý về mắt từ mắt bên này sang mắt bên kia.
  • Rửa mắt nhẹ nhàng: Mắt là bộ phận rất nhạy cảm, chỉ sơ sẩy một chút cũng dễ ảnh hưởng đến thị lực của con sau này. Mẹ nên vệ sinh nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt, tránh ngoáy sâu vào khóe mắt khiến con đau rát, sợ hãi.
Đôi mắt được vệ sinh đúng cách sẽ luôn sáng khỏe
Đôi mắt được vệ sinh đúng cách sẽ luôn sáng khỏe

1.2. Cách rửa mắt cho trẻ sơ sinh 

1 – Chuẩn bị:

  • Nước muối sinh lý 0,9% loại chai nhỏ 10ml chuyên dùng để rửa mắt và mũi. 
  • 1 túi gạc vô khuẩn
  • Nước ấm khoảng 35 – 38 độ C

2 – Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Mẹ rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi vệ sinh mắt cho bé.
  • Bước 2: Thấm gạc vô khuẩn vào nước muối sinh lý đã chuẩn bị và vắt nhẹ để loại bỏ 90% nước muối khỏi gạc. 
  • Bước 3: Lấy hai miếng gạc thấm nước muối riêng biệt lau nhẹ nhàng từng bên mắt theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt.
  • Bước 4: Lấy hai miếng gạc thấm nước ẩm để lau lại hai bên mắt cho bé.
Lấy gạc lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt ở cả 2 bên 
Lấy gạc lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt ở cả 2 bên

1.3. Lưu ý khi rửa mắt cho trẻ sơ sinh

1 – Lau rửa mắt bằng nước muối sinh lý tới khi bé được 6 tháng tuổi để hạn chế tối đa các vấn đề liên quan đến mắt như ghèn rỉ, viêm nhiễm… 

Rửa mắt bằng nước muối sinh lý đến giai đoạn 6 tháng tuổi
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý đến giai đoạn 6 tháng tuổi

2 – Khăn rửa mặt cho bé cần được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời sau khi tắm, rửa mặt, tránh tích tụ vi khuẩn, nấm mốc gây viêm nhiễm. Những ngày đông về, thời tiết lạnh giá không có ánh nắng, mẹ nên phơi khăn ở vị trí nhiều gió như ban công hoặc sấy khô để đảm bảo khăn không ẩm ướt, có mùi hôi khó chịu.

3 – Nếu phát hiện bé có mủ ở mắt, sưng đỏ, đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý về mắt nghiêm trọng. Mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ sớm nhất để được tư vấn xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng về sau. 

2. Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách

2.1. Nguyên tắc vệ sinh mũi cho bé

Tương tự như khi vệ sinh mắt cho bé, vệ sinh mũi cho bé cũng cần những quy tắc “bất thành văn” để đảm bảo mũi con yêu không bị dị ứng, ngứa ngáy hay đau rát. Mẹ tham khảo 3 nguyên tắc sau nhé: 

  • Rửa mũi cho bé tối đa 2-3 lần/ngày, tránh rửa mũi quá nhiều gây tổn thương niêm mạc mũi khiến bé đau rát, khó chịu
  • Lau mũi cho bé bằng khăn khô đa năng được làm từ chất liệu mềm mại, không chứa chất huỳnh quang, không phụ gia… để đảm bảo mũi bé được vệ sinh sạch sẽ, dưỡng ẩm vượt trội, không hề bị đau rát hoặc dị ứng, kích ứng. 
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0.9% để đảm bảo chức năng kháng khuẩn, không gây kích ứng, an toàn với trẻ sơ sinh. 
Rửa mũi cho bé không quá 3 lần/ngày để bảo vệ niêm mạc mũi của bé
Rửa mũi cho bé không quá 3 lần/ngày để bảo vệ niêm mạc mũi của bé

2.2. Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Niêm mạc mũi bé sơ sinh rất nhạy cảm, dễ bị bong tróc, tổn thương. Do đó, mẹ chỉ nên rửa mũi cho bé trong những trường hợp cụ thể như có dịch mũi, viêm mũi, nghẹt mũi hoặc bé tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm. 

1 – Chuẩn bị: 

  • Nước muối sinh lý 0.9% được đựng trong chai nhỏ 10ml, loại chuyên dùng để rửa mắt và mũi. 
  • Khăn khô đa năng và tăm bông.
Khăn khô đa năng nhẹ nhàng lau sạch vết bẩn, không gây đau rát khó chịu 
Khăn khô đa năng nhẹ nhàng lau sạch vết bẩn, không gây đau rát khó chịu

2 – Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Mẹ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn để đảm bảo vệ sinh khi rửa mũi cho bé, tránh vi khuẩn truyền từ tay mẹ sang mũi bé.
  • Bước 2: Đặt bé nằm nghiêng sang một bên và kê phía dưới cổ bé một tấm khăn khô đa năng, phòng khi nước muối chảy ngược ra ngoài. 
  • Bước 3: Đưa đầu chai nước muối sinh lý vào mũi bé và từ từ nhỏ 1-2 giọt. Chờ khoảng vài phút để chất nhầy loãng ra, sau đó thấm hút dịch bên trong mũi bằng tăm bông. Mẹ lưu ý không ngoáy tăm bông quá sâu vào trong mũi bé gây chảy máu, tổn thương niêm mạc mũi.
  • Bước 4: Nếu vẫn chưa hết dịch mũi, mẹ lặp lại bước 3 từ 1 đến 2 lần cho đến khi mũi sạch dịch hoàn toàn. 
  • Bước 5: Lau sạch mũi bé bằng khăn khô đa năng. 
Vệ sinh mũi cho bé cực dễ dàng mẹ nhỉ
Vệ sinh mũi cho bé cực dễ dàng mẹ nhỉ

2.3. Lưu ý cho mẹ khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh 

1 – Mẹ không nên hút mũi bằng miệng, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ miệng mẹ vào trong mũi bé gây ra các tổn thương mũi.

2 – Không nên lạm dụng việc rửa mũi quá nhiều lần với nước muối sinh lý khiến bé đau rát và sặc.

3 – Nếu đã hút mũi cho bé trong 3 ngày mà dịch mũi không hết, mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được kiểm tra và có biện pháp xử lý thời, tránh các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.

Mẹ nên đưa bé tới bác sĩ kiểm tra để mũi bé nhanh khỏi
Mẹ nên đưa bé tới bác sĩ kiểm tra để mũi bé nhanh khỏi

3. 5 sai lầm thường gặp khi vệ sinh mắt và mũi cho trẻ sơ sinh

3.1. Không rửa tay trước khi vệ sinh mắt, mũi cho trẻ

Tay mẹ tiếp xúc với nhiều bề mặt khác nhau, dính nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Nếu tiếp xúc trực tiếp lên mắt, mũi bé mà không rửa tay sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt, mũi bé, gây dị ứng, kích ứng hoặc nặng hơn là viêm nhiễm.

3.2. Hút hoặc rửa mũi, mắt quá nhiều lần

Nhiều mẹ bỉm có quan niệm sai lầm rằng càng rửa mắt mũi nhiều thì càng sạch, thế nhưng các giác quan của bé sơ sinh rất non nớt và chưa hoàn thiện. Việc rửa nhiều lần bằng nước muối sinh lý dễ gây đau rát, trầy xước, chảy máu và tổn thương niêm mạc mũi, mắt khiến bé quấy khóc, sợ hãi. Mẹ không nên rửa mắt, mũi bé quá 3 lần/ngày nếu mắt, mũi con không bị đau, ra nhiều ghèn rỉ hoặc số mũi.

Rửa mắt hoặc mũi quá nhiều lần trong ngày khiến bé bị tổn thương niêm mạc 
Rửa mắt hoặc mũi quá nhiều lần trong ngày khiến bé bị tổn thương niêm mạc

3.3. Dùng chung khăn hay bông gòn để vệ sinh cả 2 mắt, lỗ mũi

Mẹ đừng tiếc một miếng bông gòn mà làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo những vi khuẩn từ mắt (mũi) bên này sang mắt (mũi) bên kia. Bông gòn sau khi lau 1 bên mắt (mũi) đã không còn sạch, tiếp tục lau sang bên còn lại sẽ không đảm bảo vệ sinh thậm chí còn đem theo chất bẩn thay vì làm sạch. Với mỗi bên mắt (mũi), mẹ nhớ dùng 2 bông gòn riêng biệt nhé!

3.4. Dùng sai loại nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh

Không phải nước muối sinh lý nào cũng dùng để vệ sinh mắt mũi cho bé sơ sinh được đâu mẹ ạ. Có 3 loại nước muối sinh lý với những công dụng khác nhau:

  • Loại 1: Dùng trong tiêm truyền, thường được đóng trong các chai có dung tích 100ml, 250ml, 500ml.
  • Loại 2: Dùng để súc miệng, sát trùng vết thương, thường được đóng trong chai dung tích lớn từ 500ml đến 1000ml.
  • Loại 3: Dùng để nhỏ mắt, mũi, miệng, tai, thường được đóng trong lọ nhỏ dung tích chỉ 10ml. Đây là loại nước muối sinh lý có độ vô khuẩn cao nhất. 

Mẹ chọn đúng loại số 3, dùng để vệ sinh mắt mũi cho bé để đảm bảo con yêu được an toàn mẹ nhé.

Mẹ chọn đúng loại nước muối sinh lý vệ sinh mắt mũi miệng đóng trong lọ 10ml nhé
Mẹ chọn đúng loại nước muối sinh lý vệ sinh mắt mũi miệng đóng trong lọ 10ml nhé

3.5. Sử dụng tăm bông/xi lanh xâm nhập sâu và mũi của bé

Nhiều mẹ có thói quen thọc sâu tăm bông hoặc ống xilanh vào trong mũi bé để gạt bỏ chất bẩn hoặc để hút được nhiều dịch mũi (đối với xilanh), vô tình làm tổn thương niêm mạc mũi bé, gây ra bong tróc, chảy máu… 

Mẹ nên để đầu tăm bông ở mép ngoài mũi, không chọc sâu vào mũi con mẹ nhé
Mẹ nên để đầu tăm bông ở mép ngoài mũi, không chọc sâu vào mũi con mẹ nhé

Nếu dùng tăm bông lau mũi, mẹ chỉ nên để đầu tăm ở mép phía ngoài mũi và lau sạch nhẹ nhàng. Khi muốn muốn lấy dịch nhầy, tốt nhất mẹ nên dùng bóng hút, máy hút hoặc dụng cụ hút mũi chữ U, không nên dùng xilanh có áp lực rất lớn, luồng nước trào ra nhanh và đột ngột sẽ khiến bé bị sốc và sặc.

Chắc hẳn sau bài viết này, mẹ đã biết được cách rửa mắt mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách và tránh những lỗi sai rất nhiều mẹ bỉm đã mắc phải. Nếu mẹ còn điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận phía dưới để được giải đáp nhé!

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Hướng dẫn mẹ cách rửa mắt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn tại nhà”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

Mách mẹ 3 cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh để nhanh khỏi nghẹt mũi
Mách mẹ 3 cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh để nhanh khỏi nghẹt mũi
Với bé sơ sinh bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mẹ nên áp dụng phương pháp hút mũi cơ học để làm sạch dịch nhầy. 3 phương pháp rửa mũi thường gặp nhất là: Dụng cụ hút mũi chữ U, bóng hút mũi, máy hút mũi. Cụ thể thế nào? Mẹ tham khảo cách rửa […]
Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý an toàn
Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý an toàn
Chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé 2 – 3 lần/tuần, đặc biệt khi bé mắc các vấn đề về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, ngạt mũi… Vậy cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý thế […]
Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái
Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái
Xin chào góc của mẹ! Vậy là hành trình trở lại làm mẹ bỉm của mình được 5 tháng! Vui quá vì có đủ nếp đủ tẻ rồi! Thời gian đầu mình khá lo lắng và mệt mỏi vì mắt, mũi, miệng của bé gái nhà mình có vẻ nhạy cảm ơn anh trai, làm […]
Giỏ hàng 0